Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ cùng tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Đức đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Thay mặt cán bộ nhân viên Đại sứ quán, Đại sứ Nguyễn Minh Vũ ghi sổ tang: "Toàn thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Đức vô cùng thương tiếc Đại tướng Lê Đức Anh. Hơn 80 năm hoạt động Cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp Cách mạng vẻ vang của dân tộc. Đại tướng mất đi để lại bao niềm thương tiếc trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Đức xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đại tướng và nguyện nỗ lực học tập tinh thần làm việc, cống hiến của Đại tướng, góp phần phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp. Xin trân trọng gửi đến gia quyến Đại tướng Lê Đức Anh lời chia buồn sâu sắc nhất”.
Trong ngày 3/5, Đại sứ các nước tại Đức, bao gồm Tây Ban Nha, Cộng hòa Costa Rica, Ukraine, Jamaica, Campuchia, Malaysia, Buskina Faso…, cùng đại diện ngoại giao đoàn, Hội hữu nghị Đức - Việt Nam và bạn bè quốc tế đã tới viếng và chia buồn.
Lễ viếng và mở sổ tang nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tại Đức diễn ra đến hết 12h ngày 4/5.
* Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 3/5, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) đã tổ chức lễ viếng, mở Sổ tang tưởng niệm nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nhà lãnh đạo, nhà quân sự lớn đã có nhiều cống hiến quan trọng cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva nhắc lại những cống hiến to lớn của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh với sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc. Là một trong số ít người đã trải qua các cuộc chiến tranh từ năm 1945 - 1989, cuộc đời binh nghiệp của đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh gắn trực tiếp với những sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất và bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, với tính nhân văn, trọng tình trọng nghĩa, đồng chí luôn ghi nhớ và dành sự quan tâm đặc biệt tới chế độ, chính sách đối với các chiến sĩ và gia đình có công với Cách mạng. Đồng chí là người đã đề xuất và triển khai việc phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, một chính sách đầy tính nhân văn cao cả, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với sự hy sinh, cống hiến của các Mẹ.
Trên cương vị là Chủ tịch nước từ năm 1992 - 1997, đồng chí Lê Đức Anh đã để lại những dấu ấn quan trọng, được xem là “kiến trúc sư”, “người mở đường” cho quá trình triển khai lộ trình phá thế bao vây cấm vận của Mỹ, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặt nền móng cho tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của đất nước những năm tiếp theo.
Đại sứ Dương Chí Dũng cho biết trong những ngày qua, rất nhiều Phái đoàn, các tổ chức quốc tế gửi lời chia buồn tới Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva, cũng như chuyển đến chính phủ, nhân dân Việt Nam lời chia buồn sâu sắc, bày tỏ tình đoàn kết với Việt Nam.
Phái đoàn Việt Nam tại Geneva mở Sổ tang tưởng niệm nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong hai ngày 3 và 4/5.