Trên đây là nội dung thuộc Chỉ thị số 09/CT-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn vừa ký ban hành về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Cùng với yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 16 /CT-TTg ngày 31/3/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh lưu ý các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong”; xác định rõ đầu mối và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và từng cấp chính quyền, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, yêu cầu về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, không để xảy ra các trường hợp tụ tập đông người. Các đơn vị liên quan làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất làm đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu tất cả người dân ngoài tỉnh về địa phương từ ngày 01/7/2021 đến nay phải đến trạm y tế các xã, phường, thị trấn nơi cư trú để khai báo y tế và thực hiện xét nghiệm COVID-19 (nếu chưa thực hiện) để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp. Việc xét nghiệm được thực hiện theo đúng quy định của tỉnh.
Các trường hợp từ các tỉnh, thành phố về tỉnh Trà Vinh phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính có giá trị trong vòng 3 ngày, xét nghiệm phải được thực hiện tại đơn vị y tế có thẩm quyền. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính thì không được vào địa bàn tỉnh Trà Vinh. Riêng tại Chốt cầu Cổ Chiên, các trường hợp qua chốt vào tỉnh Trà Vinh phải thực hiện xét nghiệm nhanh (nếu không hoặc có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính quá 3 ngày) để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tùy theo điều kiện thực tế, ưu tiên bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết theo yêu cầu phải đến làm việc tại công sở mới tới cơ quan. Khi cần thiết, các đơn vị tổ chức họp trực tuyến, với số lượng không quá 20 người trong một phòng.
Người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lây nhiễm dịch bệnh do không bố trí điều kiện đảm bảo và chỉ đạo chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.
Liên quan đến kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trong 14 ngày tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh Phạm Văn Tám khuyến cáo, người dân không nên mua tích trữ nhiều lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm vì dễ xảy ra khan hiếm cục bộ, chỉ nên mua đủ dùng.
Hiện nay, trong tỉnh có 5 siêu thị, 24 cửa hàng tham gia dự trữ hàng hóa và bán hàng bình ổn giá, đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu cho người dân trong tình hình dịch COVID-19. Các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ nhiều mặt hàng thiết yếu, cam kết đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương đã thông báo rộng rãi địa chỉ, số điện thoại những điểm bán hàng bình ổn này để người dân tìm mua dễ dàng.
Tính đến trưa 18/7, Tỉnh Trà Vinh ghi nhận 60 ca mắc COVID-19 phát hiện trong cộng đồng đã được Bộ Y tế công bố; trong đó, Bệnh viện dã chiến số 1 (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Trà Vinh) đã điều trị 3 trường hợp mắc COVID-19 khỏi bệnh.
Bạc Liêu: Quản lý hoạt động cung ứng các mặt hàng thiết yếu
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, đồng thời đáp ứng nhu cầu về hàng hóa thiết yếu và lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn tỉnh khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 14 ngày kể từ 00 giờ ngày 19/7/2021, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động của các chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tinh thần chung của Bạc Liêu là vẫn đảm bảo duy trì các dịch vụ, mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh, nhất là lương thực, thực phẩm và thuốc điều trị bệnh, do đó, vẫn cho phép tiếp tục duy trì hoạt động của các chợ truyền thống (để bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, riêng các chợ tự phát phải dừng hoạt động), các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, các nhà thuốc, cửa hàng thuốc đã được cấp phép, song phải đảm bảo cao nhất các yêu cầu phòng, chống dịch, nhất là 5K (nếu không đảm bảo thì phải dừng hoạt động).
Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, xử lý kịp thời và nghiêm khắc đối với các hành vi trục lợi trái pháp luật, nhất là các hành vi găm hàng, nâng giá, bán hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn; yêu cầu người dân thực hiện đúng 5K khi đi mua hàng, trường hợp không đảm bảo an toàn thì phải buộc dừng hoàn động ngay để chấn chỉnh xong thì mới cho hoạt động trở lại. Đồng thời, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển hàng nông sản (kể cả phương tiện xe 2 bánh) được tiếp cận thuận tiện đến các chợ, siêu thị, cửa hàng để cung cấp hàng hóa, song phải lưu ý thực hiện tốt nguyên tắc 5K.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các doanh nghiệp, cơ quan có liên quan và các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu bảo đảm an toàn, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa (nghiên cứu áp dụng các kênh phân phối lưu động, giao hàng tận nơi…) đáp ứng nhu cầu của nhân dân; công bố công khai, kịp thời các điểm trung chuyển hàng hóa cho người dân, doanh nghiệp và các tiểu thương kinh doanh hàng thiết yếu để biết, thực hiện việc mua bán hàng hóa.
Báo Bạc Liêu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền thông tin về năng lực cung ứng hàng hóa, địa điểm bán hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp đến người dân nắm, an tâm, không nên hoang mang, lo lắng, tránh trường hợp tranh giành mua hàng tích trữ quá nhiều gây lãng phí không cần thiết, cũng như tạo “sốt ảo” các mặt hàng nhu yếu phẩm, đồng thời việc chen lấn khi mua hàng hóa cũng chính là tăng thêm nguy cơ lan truyền dịch bệnh.
Hiện tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là 64, trong đó 12 ca nhiễm trong nước. Số người đang cách ly tập trung trên 1.700, số người đang cách ly tại nhà là trên 4.800.
Kiên Giang: Đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân
Ngày 18/7, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã quyết định thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh trong vòng 14 ngày, từ 0 giờ 00 phút ngày 19/7/2021 đến hết ngày 1/8/2021.
Theo đó, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết; thực hiện gia đình cách ly với gia đình; ấp cách ly với ấp; xã, phường cách ly với xã, phường; huyện, thành phố cách ly với huyện, thành phố; tỉnh cách ly với tỉnh. Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang đúng quy định, tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch, bắt buộc thực hiện khai báo y tế đầy đủ và kịp thời (khai báo y tế điện tử và khai báo y tế với chính quyền địa phương). Đặc biệt người đến/trở về từ vùng dịch, người có yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca bệnh hoặc thông báo ngay cho chính quyền địa phương khi phát hiện người không thực hiện khai báo y tế thuộc các trường hợp trên.
Tỉnh tạm dừng triệt để các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người; cơ sở làm đẹp; cắt tóc, gội đầu, uốn tóc; vũ trường, rạp chiếu phim; kinh doanh trò chơi điện tử, dịch vụ thể thao; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trình diễn thời trang; các hoạt động đón khách tham quan, du lịch,…; các hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, xe đưa đón công nhân…
Cùng ngày, tại thành phố Rạch Giá, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19, những biện pháp ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh xem việc triển khai Chỉ thị 16 là cơ hội tốt để tỉnh thực hiện hiệu quả mục tiêu kiếm chế, không phát sinh thêm ổ dịch, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch.
Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát, UBND tỉnh đặt mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân trong thực hiện Chỉ thị 16. Đồng thời, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu thiết yếu, lương thực thực phẩm cho người dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo ông Nguyễn Lưu Trung, UBND tỉnh Kiên Giang luôn giữ tinh thần quyết liệt trong việc đảm bảo đủ nguồn lực, vật tư y tế, các điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân COVID-19 nặng, cả những bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Sở Công Thương trong thời gian giãn cách xã hội duy trì hoạt động các siêu thị, chợ truyền thống, tuy nhiên việc tổ chức mua bán phải được sắp xếp lại đúng yêu cầu của Chỉ thị 16. Các huyện, thành phố, kể cả cấp xã, phải đảm bảo các kênh phân phối phong phú cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm, vừa không để người dân phải lo lắng thiếu thực phẩm, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Trong một số trường hợp, nếu không đảm bảo an toàn bắt buộc phải dừng hoạt động mua bán.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung nhấn mạnh, tỉnh luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp lưu thông hàng hóa đang tham gia vào các chuỗi sản xuất. Bố trí tiêm vaccine cho lực lượng lái xe; thời gian tới nhận thêm vaccine, ưu tiên tiêm cho lực lượng công nhân các khu công nghiệp, doanh nghiệp, nhằm không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Theo Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang Hà Văn Phúc, ngành Y tế Kiên Giang đã xây dựng hai kế hoạch tiêm vaccine cho toàn tỉnh và cho thành phố Phú Quốc. Theo đó, kế hoạch chi tiết tiêm vaccine COVID-19 tại Phú Quốc đã hoàn thành, hiện chỉ chờ vaccine về là thực hiện, dự kiến tiêm trong 7 ngày, số lượng 85 bàn tiêm. Thực tế, với nguồn lực y tế Phú Quốc hiện không đảm đương được quy mô tiêm kể trên, Sở Y tế sẽ huy động lực lượng y tế trong tỉnh, trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang hỗ trợ cho Phú Quốc, trên tinh thần đảm bảo an toàn, tiêm đầy đủ cho người dân Phú Quốc theo quy định.