Một trong những vấn đề "nóng" được dư luận quan tâm hiện nay là việc vừa qua có hàng nghìn phương tiện giao thông bị từ chối đăng kiểm do bị phạt nguội từ hệ thống camera giám sát của cảnh sát giao thông. Trong khi đó, nhiều luật sư lại cho rằng việc này là sai pháp luật.
Trả lời về vấn đề này, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết. Vấn đề này liên quan tới cơ sở pháp lý và hệ thông pháp luật về xử phạt hành chính. Thứ hai liên quan tới quy định pháp luật về kiểm định và bảo vệ môi trường của các phương tiện giao thông.
Họp báo Bộ Tư pháp. Ảnh: H.V |
Với góc độ xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định trong điều 64 của Luật xử lý vi phạm hành chính, quy định rõ căn cứ pháp lý trong việc sử dụng các phương tiện phát hiện và xử lý các phương tiện vi phạm giao thông.
Trình tự xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định Nghị định 81/2015 và gần đây là Nghị định 97/2017 sửa đổi, bổ sung có quy định trình tự xử phạt.
Tuy nhiên, đối với trình tự cụ thể để xử phạt nguội thông qua hệ thống giám sát, các quy định cụ thể này chưa được ban hành, dẫn tới thực tiễn, các vấn đề liên quan, điều kiện thực hiện, tiến hành thủ tục, áp dụng hệ thống giám sát gặp một số vướng mắc. Việc thông báo để yêu cầu người vi phạm tới nộp phạt, thông qua chứng cứ để xác định đối tượng bị xử phạt gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Sơn, đây là vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhưng cũng cần có cơ sở pháp lý để đảm bảo các vi phạm phải bị xử lý kịp thời, nghiêm minh. Việc sử dụng hệ thống camera giám sát phương tiện giao thông được sử dụng ở nhiều nước. Đây cũng là vấn đề tất yếu và áp dụng phổ biến trong thực tiễn.
Do vậy, chúng tôi đề xuất lãnh đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an ban hành thông tư quy định cụ thể về trình tự thủ tục xử phạt hành chính thông qua hệ thống giám sát đường bộ, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, cần thiết sửa đổi bổ sung quy định liên quan tới các trường hợp này.