Dự và chỉ đạo có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW Trần Tuấn Anh. Lãnh đạo các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo sở, ban, ngành thuộc tiểu vùng Nam Trung Bộ, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp tham dự tọa đàm.
Tọa đàm nhằm đánh giá thực trạng liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ thời gian qua và thảo luận tìm ra giải pháp liên kết phát triển tiểu vùng thời gian tới, phù hợp thực trạng phát triển các địa phương trong tiểu vùng cũng như bối cảnh, tình hình mới. Đây là cơ hội để đại biểu trao đổi, thảo luận giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt của tiểu vùng, cả vùng; đề xuất cơ chế, chính sách nhằm khai thông, bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung.
Phát biểu tại Tọa đàm, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW Trần Tuấn Anh thông tin, tiểu vùng Nam Trung Bộ có diện tích trên 21.523 km2, dân số khoảng 3,95 triệu người, chiếm gần 4% dân số cả nước, mật độ dân số khoảng 186 người/km2. Tiểu vùng có ý nghĩa chiến lược về an ninh, quốc phòng với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa rộng lớn, có nhiều eo, cửa sông, vũng, vịnh thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải với kết cấu hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi gồm 2 sân bay, một số cảng, đường sắt, đường bộ Bắc - Nam đi qua, gần Thành phố Hồ Chí Minh và là cửa ngõ của Tây Nguyên ra Biển Đông.
Tiểu vùng Nam Trung Bộ có điều kiện phát triển các khu kinh tế biển như Vân Phong, Nam Phú Yên… gắn với phát triển công nghiệp cơ khí đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, dệt, đường và các ngành công nghiệp nhẹ khác; phát triển khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản; có điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống các âu thuyền và cầu tàu ở vùng cửa sông, đảo nhỏ ven bờ. Đây là khu vực có thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa dân tộc gắn với phát triển các đô thị ven biển như thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), thành phố Phan Thiết (Bình Thuận)…
Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tiểu vùng vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành kế hoạch, chương trình, đề án và đã hoàn thành nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tiểu vùng đã có nhiều thay đổi, tư duy về phát triển vùng, tiểu vùng có nhiều đổi mới. Một số tiềm năng, lợi thế của tiểu vùng từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả…
Tuy nhiên kinh tế - xã hội của một số địa phương trong tiểu vùng còn khó khăn; 3/4 địa phương trong tiểu vùng còn chưa tự cân đối được ngân sách; quy mô nền kinh tế tiểu vùng còn nhỏ và dễ bị tổn thương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa có sự đột phá; tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản còn khá lớn... Quá trình phát triển đã xuất hiện tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương, lợi ích giữa từng địa phương với lợi ích tiểu vùng, toàn vùng. Liên kết vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động, thiếu vai trò “nhạc trưởng” định hướng, dẫn dắt của Nhà nước, lợi thế quy mô nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.
Do đó, thông qua tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh mời gọi chuyên gia, đại biểu đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt của tiểu vùng, cả vùng; đề xuất cơ chế, chính sách nhằm khai thông, bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung.
Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng dù, các địa phương trong tiểu vùng đã lồng ghép những định hướng liên kết phát triển trong các quy hoạch, chương trình được ban hành nhưng mức độ liên kết chưa cao. Việc chạy theo lợi ích phát triển kinh tế giữa các địa phương đã làm cho liên kết vùng bị suy giảm. Các địa phương đều đặt mục tiêu trở thành trung tâm, động lực phát triển, lấy kinh tế biển làm định hướng phát triển, phát triển cảng biển, các ngành công nghiệp ven biển…, điều này phá vỡ sự phân bố sản xuất kinh doanh để tạo ra chuỗi liên kết phát triển.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, vấn đề liên kết vùng, tiểu vùng được đặt ra từ lâu, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhưng nhìn chung có thể nói từ trước đến nay liên kết từ tiểu vùng cho đến vùng trong đó có Duyên hải Nam Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Trung Bộ là chưa hiệu quả. Nguyên nhân từ tổ chức bộ máy, cơ chế liên kết, mục tiêu, lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề để liên kết, vấn đề huy động nguồn lực, chia sẻ thông tin, dữ liệu, giám sát, người cầm trịch hay bộ máy cơ chế liên kết vùng còn nhiều bất cập...
Đồng quan điểm trên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh đề xuất giải pháp từ "phía ngọn", các cơ quan quản lý có đủ thầm quyền phải xác định được ngành nghề, lĩnh vực, thế mạnh phát triển trong định hướng phát triển của địa phương với cái nhìn toàn diện về phát triển vùng, tiểu vùng. Các cơ quan chuyên môn cần có cơ chế kiểm tra, đánh giá định kỳ hợp tác liên kết, kịp thời khắc phục tồn tại, bất cập trong quá trình phát triển.
Tại tọa đàm, Tiến sĩ Phan Thị Song Thương, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ chia sẻ về định hướng và giải pháp liên kết phát triển tiểu vùng duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiến sĩ Phan Thị Song Thương cho rằng, ngoài việc trao quyền cho Ban điều phối vùng trong đó có tiểu vùng tham gia cần đẩy mạnh liên kết phối hợp cùng thu hút nguồn lực phát triển ngành, lĩnh vực mũi nhọn mang tính vùng, tiểu vùng, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện nay, đặc biệt là hệ thống cảng biển và cảng hàng không…
Một số chuyên gia cũng cho rằng, thời gian tới cần có định hướng đào tạo nguồn sự chất lượng cao, liên kết nguồn nhân sự cho tiểu vùng. Theo nhóm chuyên gia Đại học Nha Trang, các cơ sở đào tạo chủ lực, với sứ mệnh của mình cần nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo mới, đảm bảo hiện đại, hội nhập, đáp ứng, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của mỗi địa phương và tiểu vùng Nam Trung Bộ. Đặc biệt là các ngành kinh tế biển như, năng lượng tái tạo, du lịch biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, thủy sản…