Ban Thường vụ Tỉnh ủy ba tỉnh cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp đối với từng địa phương, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và thúc đẩy phát triển liên kết vùng theo nguyên tắc “chia sẻ - đồng thuận - cùng phát triển”.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh: Nguyên tắc trên là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, làm trục nhận thức chung về tư tưởng, chính trị trong việc thực hiện liên kết vùng giữa ba địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho rằng, để tổ chức thực hiện liên kết vùng, 3 địa phương cần thành lập các tiểu ban nội dung, thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện công tác định kỳ 6 tháng/lần.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nêu rõ, ba địa phương sẽ hợp tác có trọng tâm, trọng điểm để nâng tầm hợp tác giữa Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang lên tầm cao mới, qua đó đưa ba địa phương trở thành vùng kinh tế trọng điểm ở khu vực phía Bắc, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ba địa phương thống nhất tập trung thực hiện phối hợp triển khai chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với việc duy trì và tăng cường công tác trao đổi thông tin tình hình dịch bệnh; tăng cường hợp tác, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật y tế, nhân lực trong hoạt động phòng, chống dịch như đào tạo nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị bệnh nhân COVID-19, hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2…
Đặc biệt, ba địa phương tiếp tục hợp tác trong xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (gọi tắt là hồ sơ Yên Tử) trình UNESCO công nhận di sản thế giới và xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hoá - lịch sử chiến thắng Bạch Đằng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh nhiệm vụ của ba địa phương trong thời gian tới là tập trung hoàn thiện hồ sơ Yên Tử lần 1 đề cử trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30/7/2022; hoàn thiện hồ sơ lần 2 đề cử trình UNESCO thẩm định trước ngày 30/9/2022 và hoàn thiện hồ sơ đề cử chính thức trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12/2022.
Ba địa phương tăng cường hợp tác liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; trong đó, hợp tác kết nối hạ tầng giao thông, vận tải cả đường bộ, đường thủy và đường sắt. Đồng thời, ba địa phương thống nhất tiếp tục báo cáo Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải sớm đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (quy hoạch quy mô tối thiểu 4 làn xe); đầu tư, mở rộng Quốc lộ 37 đoạn Chí Linh - Lục Nam - Kép kết nối với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng.
Về đường thủy, ba địa phương phối hợp phát triển mạng lưới giao thông đường thủy trong khu vực ba tỉnh, kết nối sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam với hệ thống sông Thái Bình để kết nối tới các cảng tại Hải Phòng, Quảng Ninh nhằm tăng tính tiếp cận của các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các địa phương thống nhất, Hải Dương, Bắc Giang cần xây dựng các dự án giao thông kết nối với đường ven sông 10 làn xe nối cao tốc Hải Phòng – Hạ Long và xa hơn nữa kết nối với cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn để phát huy hiệu quả giao thông, đẩy mạnh liên kết vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa ba địa phương.
Trong những năm qua, Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã chủ động xây dựng, triển khai nhiều chương trình, nội dung hợp tác phát triển trên một số lĩnh vực trọng tâm, có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Ba tỉnh phối hợp triển khai nhiều dự án để tăng cường kết nối giao thông, đặc biệt đã thống nhất đầu tư xây dựng dự án Cầu Triều, đường dẫn hai đầu cầu và các công trình trên tuyến đường trục Bắc - Nam tỉnh Hải Dương để kết nối giao thông thông suốt từ Quốc lộ 5 (Hải Dương) đến Quốc lộ 18 (Quảng Ninh). Qua đó, đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh…
Tuy nhiên, lãnh đạo ba tỉnh thừa nhận, hoạt động hợp tác giữa ba địa phương còn một số hạn chế, chưa tương xứng và chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của các bên. Đó là, chưa có sự liên kết chặt chẽ theo phương thức đa phương; phần lớn các chương trình hợp tác mới diễn ra trên cơ sở hợp tác song phương, những nội dung hợp tác nhiều và rộng, nhưng lại chưa đảm bảo tính tổng thể khi tham gia trong mối liên kết liên quan trực tiếp đến cả ba địa phương. Hợp tác trong phát triển giao thông kết nối còn có nội dung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của các tỉnh, một số tuyến giao thông chưa được cải tạo nâng cấp đồng bộ dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao. Các luồng đường thủy nội địa giáp ranh giữa Quảng Ninh với Hải Dương chưa được quy hoạch cảng bến đồng bộ, bài bản dẫn đến xuất hiện nhiều cảng bến không hợp lý, gây khó khăn trong quản lý nhà nước về giao thông vận tải cũng như quản lý về tài nguyên, than, khoáng sản giữa hai tỉnh. Cùng với đó, hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa doanh nghiệp các địa phương đang chủ yếu duy trì ở cấp độ tự phát, thiếu tính định hướng và chưa bền vững…
Năm 2021, trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và sản xuất, nặng nề nhất là khu vực du lịch, dịch vụ vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của ba địa phương. Tuy nhiên, cả ba tỉnh đã từng bước vượt qua đại dịch, vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa giữ vững sự ổn định kinh tế - xã hội. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh đạt 10,28% (đứng thứ 2 cả nước); thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 52.000 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nội địa trên 42.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ, đứng ở tốp đầu cả nước, hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu năm. Bắc Giang đã dập dịch thành công và nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng kinh tế; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,28%, đứng thứ 10 cả nước; thu ngân sách nhà nước cả năm đạt trên 22.000 tỷ đồng, đứng thứ 10 cả nước, tăng 65% so với cùng kỳ. Hải Dương cũng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, kiên cường vượt qua các làn sóng, nhất là trong làn sóng dịch thứ 3 khi Hải Dương là tâm dịch của cả nước; tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 8,6%, đứng thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 8 trong cả nước; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 21.000, vượt 65% kế hoạch.