Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương
Sáng 29/4 (tức 10/3 năm Quý Mão), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tới dự và dâng hương.
Với tấm lòng thành kính tri ân công đức Tổ tiên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo địa phương vào Thượng cung dâng hương, hoa, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân đã có công dựng nước để con cháu nối tiếp truyền thống Lạc Hồng xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh như ngày hôm nay.
Trong giờ phút thiêng liêng của ngày giỗ Tổ, triệu triệu con tim người Việt ở trong và ngoài nước, cùng hướng về Đền Hùng với tấm lòng thành kính để tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
Khánh thành 2 dự án trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Sáng 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây đúng vào dịp Kỷ niệm 48 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 -30/4/2023).
Sự kiện được tổ chức trực tuyến tại 2 điểm cầu, gồm điểm cầu chính tại tỉnh Bình Thuận (thuộc Dự án Phan Thiết - Dầu Giây) và điểm cầu tỉnh Thanh Hóa (thuộc dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45).
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng chiều dài 63,37km (đi qua tỉnh Ninh Bình 14,35km; qua tỉnh Thanh Hóa 49,02km). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước. Dự án được khởi công từ tháng 9/2020, thông xe kỹ thuật vào tháng 12/2022. Trong khi đó, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Dự án được khởi công tháng 9/2020. Sau khi đi vào khai thác, thời gian di chuyển từ Hà Nội về Thanh Hóa và từ Thành phố Hồ Chí Minh về Bình Thuận được rút ngắn xuống còn khoảng 2 giờ.
Đại diện các nhà thầu cho rằng, trong quá trình triển khai tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 nói riêng và các đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây nói riêng gặp khó khăn, trong đó có ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chính phủ, Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện với tinh thần “Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
TP Hồ Chí Minh bắn pháo hoa mừng Ngày giải phóng thống nhất đất nước
Dịp lễ kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và 137 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2023), nhiều hoạt động biểu diễn văn nghệ, vui chơi, giải trí được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước.
Là 1 trong 2 điểm được tổ chức bắn pháo hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh vào 21 giờ ngày 30/4, Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11) sẽ tổ chức biểu diễn kết hợp giữa pháo hoa hỏa thuật và hệ thống laser nhạc nước khổng lồ trình chiếu những thước phim 3D hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam trên mặt hồ rộng 5 ha.
Với chủ đề “Đầm Sen sắc màu - Lan tỏa niềm vui”, trong suốt 5 ngày nghỉ lễ, người dân và du khách khi đến Công viên văn hóa Đầm Sen sẽ được tham gia nhiều hoạt động ngoài trời như hoạt động đường phố (biểu diễn võ nhạc, cờ người, nhạc dân tộc đường phố, show hoạt náo - xiếc ảo thuật, xe kẹo ngọt khổng lồ, show cà kheo dân gian, giao lưu cùng nhân vật lịch sử Vua Hùng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Thánh Gióng…); hoạt động sân khấu Dế Mèn (show rối Phù Đổng Thiên Vương), show diễu hành, chương trình Lake Show; liên hoan Diều với chủ đề “Sắc màu hội tụ - Lan tỏa niềm vui” tại Quảng trường La Mã với sự xuất hiện của 20 con diều khổng lồ xen kẽ cùng diều lá cờ Việt Nam; show diễn dân vũ - Flashmob kết hợp kèn đồng Võ Thành Trang...
Bên cạnh đó, Công viên văn hóa Đầm Sen còn tổ chức các hoạt động phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Quận 11 như: Chương trình nghi thức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm mùng 10 tháng 3 Âm lịch tại Quảng trường Vua Hùng; Hội thi gói và nấu bánh chưng với chủ đề “Hướng về Cội nguồn đất Tổ” tại khu vực sân Lâu Đài Kỳ Thú...
Chủ động khống chế, kiểm soát dịch COVID-19
Trong tuần từ 23 đến 29/4, cả nước ghi nhận 16.359 ca mắc COVID-19. Đây là tuần có số ca mắc cao nhất trong vòng 6 tháng qua. Tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi hiện là 10.621.473 trường hợp. Hiện có 122 bệnh nhân đang thở oxy; trong đó, 90 ca thở oxy qua mặt nạ, 8 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 24 ca thở máy xâm lấn.
Đến nay, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 43.188 ca; đã có hơn 266 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số liều vaccine COVID-19 được tiêm trong thời gian gần đây liên tục tăng, có những ngày lên đến hơn 20.000 liều.
Thông tin tại hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành chiều 26/4 về công tác phòng, chống dịch trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương cho thấy, những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 có chiều hướng gia tăng trở lại và đã ghi nhận 2 ca tử vong sau gần 4 tháng không có trường hợp tử vong nào, trong đó có trường hợp có bệnh nền nhưng không tiêm vaccine phòng COVID-19.
Các biến thể phụ của Omicron xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh đều là những biến thể phụ đã có mặt trên nhiều quốc gia trên thế giới và được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm cần được theo dõi. Hiện nay, chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng là biến thể phụ này làm tăng mức độ nặng của bệnh.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân khuyến cáo, trước diễn biến gia tăng ca mắc COVID-19 thời gian gần đây, các địa phương cần tăng cường giám sát trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ kéo dài, đặc biệt là sau vài năm đại dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương cũng như du khách nước ngoài đến nước ta dự báo sẽ tăng, như vậy nguy cơ dịch bệnh sẽ gia tăng.
Đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ, khi người dân trở lại làm việc, công tác phòng, chống dịch cần được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ hơn; các trường học cũng bước vào kỳ thi, do đó ngành Y tế các địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong nhà trường.
Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc, ngày trực
UBND thành phố Hải Phòng có văn bản chấn chỉnh việc sử dụng rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, ngày trực.
Theo đó, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu bia năm 2019; Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 24/10/2018 của UBND thành phố về việc không sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, UBND thành phố Hải Phòng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã cơ bản chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, theo phản ánh vẫn còn hiện tượng một số thủ trưởng, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự tụ tập uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa, ngày trực, đặc biệt có trường hợp uống rượu, bia đến 3 - 4 giờ chiều của ngày làm việc.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các quy định về việc không sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.