Năm 1948, luật sư Nguyễn Hữu Thọ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và đứng đầu trong phong trào tri thức ở Sài Gòn. Trong ba tháng đầu năm 1950, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân thành phố Sài Gòn diễn ra sôi nổi, có tổ chức. Để tiếp tục hướng dẫn dư luận, nhóm tri thức ở Sài Gòn tự in các thông cáo để phát đến tay đồng bào.
Trưa 13/4/1950, Pháp bắt luật sư Nguyễn Hữu Thọ với “tội” phát tán truyền đơn bất hợp pháp. Sau đó nhân dân biểu tình đòi thực dân Pháp thả luật sư Nguyễn Hữu Thọ nên thực dân Pháp không giám đưa luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra tòa án vì sợ phản ứng của quần chúng. Để cách ly ông với phong trào cách mạng đang sục sôi của thành phố Sài Gòn, thực dân Pháp quyết định đày ông lên bản Giẳng, xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đây là nơi tận cùng phía Tây Bắc của đất nước, cuộc sống hoang sơ, khó khăn đủ bề hòng đày đọa và giết chết người cách mạng kiên trung. Thực dân Pháp không ngờ rằng, tại bản Giẳng luật sư Nguyễn Hữu Thọ lại được bà con nhân dân đùm bọc, yêu mến, xem như người con, người thầy của bản.
Cô gái 15 tuổi và người cách mạng lưu đày
Tuổi thơ cô gái 15 tuổi, Lò Thị On, dân tộc Giáy, éo le, bố chết sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng, anh họ Lý Văn Màn là Trưởng bản Giẳng nhận về nuôi và xem như em gái ruột trong gia đình. Không nề hà, On chăm chỉ làm việc để trả ơn gia đình tốt bụng cho miếng ăn, áo mặc và mái ấm. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sống tại nhà Trưởng bản Lý Văn Màn, được cô Lò Thị On tận tình chăm sóc. Bây giờ bà On đã ở tuổi 82 vẫn mạnh khỏe, minh mẫn kể cho chúng tôi nghe về công việc thường ngày chăm sóc luật sư, người mà bà xem như thầy giáo.
Đầu năm học, thầy cô giáo và các em học sinh trường tiểu học dâng hương tại Nhà tưởng niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ, quyết tâm phấn đấu lập nhiều thành tích trong dạy và học. |
Bà Lò Thị On cho hay: “Ngày 3 bữa tôi dậy sớm nấu nước, chuẩn bị khăn cho ông Thọ rửa mặt, dọn cơm, phục vụ ông chu đáo. Xong bữa cơm tối, ông Thọ bảo tôi gọi các bạn thanh niên cùng trang lứa đến nhà để nói chuyện. Mỗi buổi tối, ông Nguyễn Hữu Thọ giảng giải cho mọi người về tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng không chịu khuất phục làm nô lệ cho thực dân Pháp. Ngày đi nương, tối về bà con, thanh niên trong bản lại tụ tập về nhà Trưởng bản chong đèn dầu để nghe ông Nguyễn Hữu Thọ nói chuyện. Lúc mọi người về hết, ông Thọ lại ngồi đọc báo, đọc sách, tôi lẳng lặng đi trải đệm và bỏ màn để chút nữa ông đi ngủ. Từng đêm, trời khuya lạnh giá, tôi tỉnh dậy nhẹ nhàng vén mép màn, kéo mảnh chăn ấm đắp cho ông. Hàng ngày khi công việc xong xuôi, ông Thọ lại gọi tôi vào để dạy cái chữ...”.
“Sau gần 8 tháng bị giam đày ở bản Giẳng (6/1950 - 2/1951), luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị đưa về quản thúc ở Sơn Tây. Cả bản kéo nhau đi bộ gần 5 km ra bến sông Đà đưa tiễn ông Thọ. Trước khi đi, ông Thọ hứa sẽ quay trở lại thăm dân bản... Đúng như lời đã hứa, 43 năm xa cách, năm 1993 lúc đó ông Thọ đã 83 tuổi, người con cách mạng lại trở về bản Giẳng thăm bà con nhân dân”, bà On cho biết thêm. Đã 54 năm trôi qua, nhưng bà Lò Thị On vẫn nhớ nguyên lời khuyên của ông Thọ: “Đừng bao giờ khuất phục trước số phận, bà con dân bản hãy tin vào cuộc đấu tranh anh dũng của cả dân tộc. Hãy tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, cuộc đấu tranh nhất định sẽ dành thắng lợi”.
Ông Lý Văn Hiên, em trai của ông Lý Văn Màn kể về luật sư Nguyễn Hữu Thọ để giáo dục lớp trẻ về truyền thống cách mạng, yêu nước của cha anh đi trước. |
Về thăm nhân dân bản Giẳng, luật sư Nguyễn Hữu Thọ tặng bà Lò Thị On một chiếc khăn tay và hai mét vải, bà không dùng mà cất giữ cẩn thận. Khi nhà tưởng niệm luật sư được xây dựng, dù đó là vật quý nhưng bà đã hiến tặng để trưng bày. Kỷ vật duy nhất bà Lò Thị On còn lại là tấm ảnh chụp chung nhân dịp luật sư Nguyễn Hữu Thọ về thăm bản. Gia đình ông Nguyễn Hữu Thọ nặng lòng với người dân bản Giẳng, sau này hai người con Nguyễn Hữu Phước, Nguyễn Hữu Châu cũng về thăm bà On và nhân dân bản ở đây. Các ông như muốn tìm lại kí ức của người cha và tình cảm ấm áp của nhân dân đã dành cho cha mình.
Bản Giẳng nhớ luật sư
Thời gian trôi nhanh, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nguyên là Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 4/1980 - 7/1981) đã về thế giới bên kia, nhưng tấm gương về người cách mạng, một tri thức lớn không thể xóa mờ trong lớp lớp người dân ở vùng đất này. Năm 2012, UBND huyện Mường Tè (Lai Châu) đã đầu tư xây dựng nhà tưởng niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ và ngôi trường tiểu học mang tên người trên mảnh đất đã che chở, đùm bọc luật sư. Khi tiến hành khảo sát để xây dựng tại nhà văn hóa bản thiếu đất, 3 gia đình đã tình nguyện hiến mỗi hộ trên 500 m2 đất đủ để làm khu trường học và nhà tưởng niệm rộng khoảng 2.000m2.
Bí thư chi bộ bản Giẳng, Lù Văn Viên cho biết: “Người dân chúng tôi luôn nhớ về luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhà tưởng niệm và ngôi trường mang tên luật sư, nhân dân bản Giẳng rất vui mừng và phấn khởi. Đó sẽ là truyền thống quý báu giá trị để lớp lớp người dân ở đây ý thức vươn lên làm kinh tế, dần thoát nghèo, xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp. Mỗi dịp lễ, Tết, bà con đều tập trung đến để dâng hương tưởng nhớ luật sư và ý thức về truyền thống cách mạng của cha ông đi trước.
Nhà tưởng niệm hoàn thành, bảo tàng Trung ương hiến tặng những kỷ vật về luật sư Nguyễn Hữu Thọ, gia đình luật sư tặng các vật dụng, quần áo trong sinh hoạt đời thường và ảnh hoạt động cách mạng của luật sư để trưng bày. Bà con bản Giẳng, người quyên góp chiếc bình bi đông đựng nước, người tặng bộ quần áo dân tộc Giáy, người tặng chiếc lu cở, chiếc gùi hàng, ghế mây, chiếc đó bắt cá... để làm vật dụng trưng bày. Ba gia đình hiến đất trong đó có cả nhà tôi, mọi người tự nguyện chuyển nhà đến vị trí mới, không đòi hỏi đền bù. Chúng tôi tự hào về việc làm của mình, người dân ở đây từ già đến trẻ đều biết và nhớ về luật sư Nguyễn Hữu Thọ”.
Thầy giáo Bùi Văn Đông, Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Hữu Thọ cho biết: “Trong công tác giảng dạy, nhà trường xây dựng lồng ghép các tiết học ngoài giờ, các buổi chào cờ để nói về người cách mạng kiên trung luật sư Nguyễn Hữu Thọ, về công lao của ông cha ở đây đã đùm bọc, cưu mang luật sư. Thầy cô giáo, các em học sinh luôn ý thức mình được công tác và học tập dưới mái trường mang tên luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một tấm gương về phẩm chất cách mạng, trí thức lớn, từ đó luôn cố gắng để đạt nhiều thành tích cao, đầu năm dâng hương báo công cùng người”.
Bài và ảnh: Việt Hoàng