Ngày 13/10, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, tính đến thời điểm này, lũ tại miền Trung, Tây Nguyên đã làm 4 người thiệt mạng (tăng 2 người), trong đó Đắk Lăk có 1 người đi làm về bơi qua sông bị lũ cuốn trôi và ở Quảng Bình có 1 cháu gái 15 tuổi đi đánh cá bị lật thuyền. Trong khi đó, số người thiệt mạng do lũ lụt, triều cường tại đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục gia tăng. Đến nay đã có 43 người thiệt mạng (tăng 9 người), trong đó: An Giang có 12 người chết (tăng 7 người); Đồng Tháp 15 người (tăng 2); Cần Thơ 6 người; Long An 5 người; Kiên Giang 5 người. Lũ lụt cũng làm ngập 69.560 nhà (tăng 9.133 nhà); hơn 18.000 ha lúa và gần 3.700 ha hoa màu bị ngập úng; diện tích nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại là 2.667 ha; 258 cầu, cống bị hư hại...Ước tính tổng thiệt hại là trên 1.150 tỷ đồng.
Cảnh ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ sông Kiến Giang tại Quảng Bình đã đạt đỉnh và đang xuống. Đỉnh lũ tại trạm Kiến Giang là 13,26m (trên BĐ3 là 0,26m); tại Lệ Thủy là 2,97m (trên BĐ3 là 0,27m). Mực nước sông Kiến Giang tiếp tục xuống, ngày 13/10, mực nước tại Lệ Thủy dao động ở mức BĐ2, các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế, khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ nhỏ; các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Nam Tây Nguyên có dao động nhỏ.
Trong 1-2 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, nội đồng vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) ít biến đổi, sau xuống chậm nhưng còn ở mức cao, riêng các trạm trên dòng chính vùng cuối nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên và ở mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên BĐ2 sau đó xuống theo triều. Đến ngày 16/10, tại các trạm chính vùng nội đồng ĐTM và TGLX ở mức trên BĐ3 từ 0,1-0,3m. N gày 13/10, mực nước sông Đồng Nai tại Tà Lài biến đổi chậm và ở mức 111,95m.
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng 13/10, sau khi vượt qua khu vực miền Trung Philippin, đi vào khu vực phía Đông của biển Đông, bão BANYAN đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 7h sáng nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 119,9 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và có khả năng mạnh lại thành bão. Đến 7h ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 117,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh.
Ngoài ra, bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang di chuyển xuống phía Nam ; Ngày mai (14/10) sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh miền Bắc nước ta. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác. Gió Đông Bắc trên vịnh Bắc Bộ sẽ mạnh dần lên cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển Động./.
Thanh Tuấn