Mở rộng phạm vi Luật
Góp ý tại hội trường, các đại biểu thống nhất sự cần thiết sửa đổi Luật Cạnh tranh bởi không quản lý được cạnh tranh thì nền kinh tế khó phát triển.
Đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường sáng 15/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Theo đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), nền kinh tế biến đổi từng ngày, từng giờ. Luật Cạnh tranh đóng vai trò là “Hiến pháp” của nền kinh tế thị trường. Sau 12 năm áp dụng, sửa luật là rất cần thiết và phải bao quát được hết các vấn đề cạnh tranh.
Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng, dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành. Theo đó, không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn điều chỉnh cả hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể tới thị trường Việt Nam.
Điều này là cần thiết và phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, khi Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào nhiều hiệp định thương mại quốc tế.
Cả hai đại biểu đề nghị làm rõ về tính khả thi của quy định này, nhất là trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ khác.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) dẫn chứng việc hệ thống rạp phim CGV của Hàn Quốc chiếm đến 40% số rạp chiếu đã chi phối thị trường điện ảnh Việt Nam. Phim Việt khó vào hệ thống rạp này nếu không thống nhất được tỷ lệ ăn chia.
"Nếu doanh nghiệp để mất hệ thống rạp thì khó đưa được phim Việt vào rạp. Do đó, hiện các hãng phim lớn đã phải xây dựng rạp chiếu riêng để không bị chèn ép khi đưa phim Việt vào rạp chiếu", đại biểu Cương cho hay.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đề nghị: Phạm vi điều chỉnh của dự luật phải mở rộng hơn đến những lĩnh vực liên quan đến kinh tế chứ không riêng kinh tế. Ông Kiên dẫn chứng trong lĩnh vực văn hóa, có bộ phim Hàn Quốc có giá trị bằng 1,5 triệu chiếc xe Huyndai. Điều đó cho thấy tác động kinh tế của ngành văn hóa không hề nhỏ.
Tranh luận về Cơ quan cạnh tranh Quốc giaVề mô hình Cơ quan cạnh tranh Quốc gia, hiện có 2 nhóm ý kiến: Thứ nhất, Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Cục Cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh. Thứ hai, Cơ quan cạnh tranh Quốc gia độc lập, thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng: Bộ Công Thương hiện nay vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu đặt Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương sẽ khó đảm bảo được tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.
Theo đại biểu Phạm Văn Tuân: "Cơ quan cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ Công Thương sẽ không khách quan, cần quy định rõ hơn thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ chứ không giao cho Chính phủ".
Còn theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Cơ quan cạnh tranh Quốc gia nằm đâu không quan trọng, miễn là phải độc lập. Việc giao cơ quan này cho Bộ Công Thương quản lý cũng không quá đáng lo vì sắp tới, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ không còn do Bộ Công Thương quản lý.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc: "Người dân và doanh nghiệp có quyền kiện hành vi phản cạnh tranh ra tòa án dân sự chứ không chỉ kiện ra cơ quan quản lý cạnh tranh (chỉ phạt vi phạm hành chính). Cần ghi rõ điều này vào luật". |
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Nếu cơ quan này thuộc Bộ Công Thương thì sẽ có vướng mắc khi một bộ thuộc Chính phủ vừa đại diện phần vốn nhà nhà nước của doanh nghiệp nhà nước, lại vừa chủ trì điều tra cạnh tranh.
"Tuy nhiên sắp tới nếu tách phần vốn nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp này như ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc thì không còn quá nặng nề về mô hình Cơ quan cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ Công Thương vì vẫn đảm bảo sự minh bạch, khách quan của cơ quan này", Bộ trưởng cho hay.
Do là lần đầu các đại biểu Quốc hội góp ý về dự án luật này nên Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương và cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung để hoàn thiện dự án luật, tiếp tục trình Quốc hội trong kì họp tiếp theo.
Cũng trong sáng nay, với 87,78% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Lâm nghiệp. Luật gồm 12 chương, 108 điều quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.