Nội dung thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia và doanh nghiệp nhiều nhất là có nên đưa đối tượng “hộ kinh doanh” vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp hay không cũng như việc điều chỉnh những bất cập, hạn chế mà Luật Doanh nghiệp hiện hành đã bộc lộ trong thời gian qua.
Cần cắt giảm những quy định hình thức, không cần thiết.
Anh Phạm Minh Nam - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Bình, Hà Nội đánh giá cao Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường. Điều này rất quan trọng đối với doanh nghiệp khi phải chạy đua về thời gian, bởi thời gian chính là tiền. Hiện nay, nếu đo lường bằng số thủ tục và thời gian, theo quy định hiện hành ở nước ta bao gồm 8 bước thủ tục và khoảng 20 ngày làm việc, không kể ngày nghỉ và thời gian chờ. Với thực trạng này, đòi hỏi cải cách là rất lớn và cần có một cải cách mạnh mẽ trong cắt giảm thủ tục thủ tục không cần thiết nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cơ bản bao gồm bãi bỏ các thủ tục không còn cần thiết như: Thủ tục thông báo mẫu dấu, thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp...; đồng thời, bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Theo đó, người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay).
Còn theo ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh: Qua khảo sát ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, khâu mã hóa ngành nghề kinh doanh theo danh mục phân ngành kinh tế quốc dân là khó nhất và mất nhiều thời gian nhất trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hiện hành. Thông thường ở cuối mỗi nhóm ngành đều có mã ngành cấp 4 ghi “ngành nghề chưa được phân vào đâu” khác nhau dẫn đến có nhiều cách chọn mã ngành theo cách hiểu khác nhau giữa các nhóm thương mại, dịch vụ gây nhiều phiền phức cho doanh nghiệp khi làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Do đó, các doanh nghiệp đề nghị Luật sửa đổi lần này hủy bỏ việc mã hóa ngành nghề kinh doanh vì thực hiện quyền tự do kinh doanh theo hiến pháp, người kinh doanh được tự đăng ký lĩnh vực hoạt động như: Thương mại, xây dựng, nông nghiệp, sản xuất các loại sản phẩm nào đó hoặc lĩnh vực dịch vụ nào đó; không cần quá chi tiết mặt hàng như hiện nay. Bỏ được khâu mã hóa ngành nghề, doanh nghiệp giảm được nhiều thời gian, chi phí không chính thức và rất nhiều phiền hà khác; cơ quan Nhà nước cũng giảm đáng kể số lượng nhân sự, bộ máy.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bãi bỏ một số điều khoản chỉ mang tính hình thức mà không có nhiều ý nghĩa thực tế như: Tại Điều 24 về nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, khoản 7 yêu cầu kê khai số lượng lao động. Trên thực tế, các chủ doanh nghiệp khi đăng ký doanh nghiệp đều chưa đầu tư, chưa xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị nên đưa ra con số dự đoán không chính xác. Tuy doanh nghiệp cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác trong hồ sơ nhưng số liệu này không có cơ sở để tin cậy. Nếu doanh nghiệp khai không đúng số lượng lao động thực tế sau đó thì cơ quan nào xử phạt và xử như thế nào nếu như vẫn chưa rõ. Tại Điều 201 về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp, đề nghị hủy bỏ điểm (a) trong khoản 1 quy định tình huống giải thể khi kết thúc thời hạn hoạt động ghi trong Điều lệ công ty. Lý do vì tại Điều 25 không quy định Điều lệ công ty phải có ghi thời hạn hoạt động. Trên thực tế hầu như không có doanh nghiệp nào giải thể đúng thời hạn hoạt động ghi trên Điều lệ; mặt khác, Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững và không nên mất thời gian vào những nội dung không mang ý nghĩa pháp lý do doanh nghiệp tự khai.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Phạm Hưng cho rằng Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định về điều kiện kinh doanh còn quá nhiều nên Luật sửa đổi cần cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Việc này cần thực chất không nên chỉ cắt giảm về hình thức, thậm chí chuyển thành một dạng giấy phép con khác.
Bên cạnh đó, cũng có quy định cần thiết nhưng bộc lộ bất cập khi thực thi như thời hạn góp vốn vào doanh nghiệp phải được thực hiện xong trong 90 ngày, trong khi đó với trường hợp góp vốn là tài sản bất động sản, thiết bị máy móc nhập từ nước ngoài thì rất khó hoàn thành thủ tục góp vốn trong thời gian đó. Hay những quy định trong hoạt động của doanh nghiệp cổ phần cũng còn nhiều bất cập như việc yêu cầu cổ đông phải có từ 10% cổ phần đủ thời hạn 6 tháng mới được giới thiệu người đại diện ứng cử vào công ty cổ phần. Như vậy, dù cổ đông đã trả tiền để mua cổ phần nhưng phải 6 tháng sau mới có quyền tham gia hoạt động điều hành công ty.
Một nội dung khác trong Luật Doanh nghiệp hiện hành cần được xem xét điều chỉnh là quy định hộ kinh doanh sử dụng trên 10 lao động phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. “Có những tiệm sửa xe có hơn 10 thợ sửa xe hay cơ sở làm bánh truyền thống có hơn 10 nhân công nhưng về bản chất họ vẫn là hộ kinh doanh nhỏ. Thay vì yêu cầu các hộ kinh doanh này đăng ký thành lập doanh nghiệp thì Nhà nước cần tạo ra cơ chế để khuyến khích họ mở rộng đầu tư, kinh doanh. Khi quy mô đủ lớn và có nhu cầu tham gia các giao dịch chính thức, cần sử dụng hóa đơn các hộ kinh doanh sẽ tự động đăng ký chuyển đổi hoặc thành lập doanh nghiệp. Suy cho cùng, việc xây dựng hay sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần được thực hiện với tâm thế tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu chứ không nên tạo ra cơ chế để tận thu thuế của người kinh doanh”, Luật sư Phạm Ngọc Hưng nêu quan điểm.
Nên có chương riêng quy định đối với hàng triệu hộ kinh doanh cá thể
Ông Nguyễn Đình Tuệ cho rằng, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này đề cập nhiều đến thuật ngữ “hộ kinh doanh”, cần nghiên cứu thêm để sử dụng cho chính xác. Thực tế hiện nay cơ quan Nhà nước đang cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cá nhân đứng tên, không sử dụng cụm từ “hộ kinh doanh” vì vậy cần xem lại đâu là chủ thể kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi liên quan. Người đứng tên là chủ hộ trong hộ khẩu gia đình chưa hẳn đã là người quản lý, điều hành kinh doanh. Hơn nữa, số lượng hộ kinh doanh của Việt Nam khá nhiều và có những đặc thù riêng trong văn hóa kinh doanh nên có thể xây dựng một Luật riêng để có những quy định cụ thể, chi tiết đối với hoạt động của nhóm đối tượng này.
Trong khi đó, Luật sư Phạm Ngọc Hưng thông tin, hoạt động của hộ kinh doanh được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP; khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2016/NĐ-CP nêu: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.
Cả nước hiện có hàng triệu hộ kinh doanh cá thể tham gia vào hoạt động đầu tư, kinh doanh (quy mô nhỏ), tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do chưa được đưa vào đối tượng điều chỉnh của Luật nên hộ kinh doanh vẫn “thua thiệt” về nhiều mặt như không có tư cách pháp nhân nên không thể vay vốn ngân hàng cũng như gặp khó khăn với các giao dịch mang tính chính thức.
Theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nên mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm cả hộ kinh doanh và có thể tách riêng một chương, quy định chi tiết, cụ thể cho hoạt động của nhóm đối tượng này. Việc đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp không đồng nghĩa với xác nhận tư cách pháp nhân của hộ kinh doanh ngang bằng với doanh nghiệp bởi việc tham gia thị trường của doanh nghiệp còn chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhưng đã thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước đối với vai trò của họ trong sự phát triển kinh tế. Hơn nữa, hộ kinh doanh cũng sẽ được xem xét bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong kinh doanh cũng như tham gia các giao dịch, thực hiện các quyền lợi cho người lao động, mã số thuế để hạch toán theo thực tế kinh doanh thay vì nộp thuế khoán.
Quy định về doanh nghiệp nhà nước được điều chỉnh sát thực tế hơn
Theo Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường - Bộ Khoa học và Công nghệ, về cơ bản, quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 đã phản ánh và thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, nhưng chưa đầy đủ. Bởi theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp, khái niệm doanh nghiệp nhà nước mới chỉ bao gồm doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chưa có quy định xác định loại doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối.
Thêm vào đó, các quy định về tổ chức quản trị đối với doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần hoặc phần vốn góp chi phối cũng cần được rà soát lại để bổ sung, sửa đổi nhằm thực hiện các mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp; trong đó, gồm cả doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu chi phối vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ (như Nghị quyết Trung ương 5).
Do đó, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có quy định doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được cụ thể hóa bằng tiêu chí Nhà nước “sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” của doanh nghiệp đó. Khái niệm doanh nghiệp Nhà nước được sửa đổi để bao gồm cả hai loại doanh nghiệp: Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Nhằm nâng cao yêu cầu về quản trị đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có sở hữu của Nhà nước trên 50% vốn điều lệ; tăng mức độ kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm tính minh bạch hóa trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định để mở rộng phạm vi đối tượng không người có liên quan không được làm thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (bao gồm: con rể, con dâu, anh em bên chồng; bổ sung quy định công khai hóa thông tin của doanh nghiệp).