Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Tăng cường hòa giải, đối thoại luôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng về cải cách tư pháp.

Sáng 10/12, tại Tòa nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên họp thứ 29 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự kiến tháng 10/2019 Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần thứ nhất đối với dự án Luật. Tháng 5/2020, Quốc hội thảo luận lần thứ hai và thông qua dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Tăng cường hòa giải, đối thoại

Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Tờ trình đề nghị xây dựng Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng: Hòa giải, đối thoại đã trở thành nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của người dân và xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống.  

Chú thích ảnh
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình đề nghị xây dựng Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN

“Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai. Hòa giải thành, đối thoại thành, giúp giải quyết triệt để các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Tăng cường hòa giải, đối thoại luôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng về cải cách tư pháp”, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm đạt được các mục đích: Xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính.

Cơ chế hòa giải, đối thoại này độc lập, song song với các cơ chế hiện có; không mâu thuẫn, không triệt tiêu, không thay thế các cơ chế hòa giải, đối thoại khác trong tố tụng cũng như ngoài tố tụng hiện có; tăng cường phương thức tiếp cận công lý, nâng cao quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thu hút, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính; giảm số lượng vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết; giảm tải áp lực công việc cho Tòa án, khắc phục một phần tình trạng thiếu nguồn nhân lực tại Tòa án.

Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng cơ chế hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý vụ việc để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp; tăng tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành; rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

Theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, vai trò của hòa giải rất quan trọng, việc không phải xử tại tòa mà tiến hành hòa giải sẽ tránh lãng phí. Ủy ban Tư pháp cũng đã có báo cáo thẩm tra và hoan nghênh ý tưởng của Tòa án nhân dân Tối cao. Trong quá trình soạn thảo, Tòa án nhân dân Tối cao tiếp tục tiếp thu để chỉnh sửa và trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Lê Thị Nga phát biểu tại kỳ họp. Ảnh Viết Tôn

“Việc đánh giá thực trạng trong việc hòa giải cần có đánh giá thống nhất. Để có Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cần đánh giá tác động sâu rộng bởi hiện có rất nhiều loại hòa giải ở cơ sở, cho nên cần xem xét để tránh chồng chéo”, bà Lê Thị Nga phát biểu.

Giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính thông qua hòa giải, đối thoại

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính của các Tòa án chiếm tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn (tỷ lệ hòa giải thành khoảng trên 40% nhưng chủ yếu là hòa giải thuận tình ly hôn; tỷ lệ đối thoại thành chỉ đạt gần 8% trong tổng số vụ án đã giải quyết). Việc hòa giải tiến hành theo Luật Hòa giải ở cơ sở đã đạt được một số kết quả nhất định đối với những mâu thuẫn, vi phạm pháp luật nhỏ ở cấp cơ sở.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể phân loại thành hai nhóm là: Hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng. Về hòa giải, đối thoại trong tố tụng: Được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Về hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng: Pháp luật hiện hành còn quy định một số cơ chế hòa giải ngoài tố tụng như: Hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012; hòa giải thương mại theo quy định của Luật Thương mại và Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24-02-2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại; hòa giải tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; hòa giải theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; hòa giải theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều mâu thuẫn, tranh chấp chưa được hòa giải hoặc hòa giải không kịp thời dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Về hòa giải thương mại theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ, thì đến nay mới chỉ có 2 Trung tâm trọng tài thương mại được cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại. Về hòa giải tranh chấp lao động, số vụ được Hòa giải viên lao động thụ lý rất thấp.  

Chỉ ra những hạn chế của các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng: Cơ chế hòa giải ngoài tố tụng được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng chất lượng hòa giải còn hạn chế; phần lớn là những tranh chấp, xích mích nhỏ; kết quả hòa giải không có giá trị bắt buộc nên hiệu lực thi hành không cao.  

Cơ chế hòa giải, đối thoại trong tố tụng có giá trị pháp lý và được thi hành bằng con đường thi hành án nhưng chủ thể tiến hành hòa giải, đối thoại là Thẩm phán - người sẽ tiến hành xét xử (nếu hòa giải, đối thoại không thành), bị hạn chế bởi các quy định pháp luật về sự vô tư, khách quan, chỉ tuân theo pháp luật, phải chấp hành quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán nên khó linh hoạt để đưa ra những lời khuyên có tình, có lý giúp các bên tranh chấp cảm thông, chia sẻ, nhượng bộ và thỏa thuận cách giải quyết. Với áp lực công việc rất lớn nên việc đầu tư thời gian, công sức của các Thẩm phán cho công tác hòa giải, đối thoại cũng hạn chế.  

Đối với các khiếu kiện hành chính, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó tham gia đối thoại. Trong bối cảnh các khiếu kiện hành chính ngày càng nhiều, phức tạp, xảy ra trên các lĩnh vực khác nhau, việc tổ chức đối thoại gặp nhiều khó khăn, kết quả đối thoại thành không nhiều.

Những năm qua, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng mạnh tỷ lệ thuận với quy mô tăng dân số và tăng trưởng của nền kinh tế; tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp; số lượng các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều. Tòa án luôn trong tình trạng quá tải; nhiều vụ án dân sự, hành chính phải xét xử qua nhiều cấp trong nhiều năm; bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Tòa án.

Với thực trạng pháp luật và tình hình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua hòa giải, đối thoại như trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nghiên cứu, xây dựng một cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của người dân và xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự kiến tháng 10/2019 Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần thứ nhất đối với dự án Luật. Tháng 5/2020, Quốc hội thảo luận lần thứ hai và thông qua dự thảo Luật. 

 

Viết Tôn/Báo Tin tức
Khai mạc Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Khai mạc Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 10/12, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 29.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN