Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi). Bà Trần Hồng Thắm (ảnh), đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với báo chí về những vấn đề xung quanh dự thảo luật này.
´Trong dự thảo Luật Xuất bản sửa đổi lần này, theo bà có điểm bất cập nào cần sửa đổi cho sát thực tế hay không?
Về một số điều khoản như đăng ký xuất bản và xác nhận đăng ký xuất bản, hoặc cấp giấy phép xuất bản tài liệu quy định không kinh doanh, có quy định tập trung vào Bộ Thông tin Truyền thông, không phân cấp cho địa phương, theo tôi nên đẩy mạnh phân cấp quản lý ở địa phương, bởi bộ máy nghiệp vụ trong lĩnh vực này ở địa phương cũng cơ bản hoàn thiện. Do vậy nếu chúng ta không phân cấp mà dồn vào Trung ương thì công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản ở địa phương không kịp thời, trong khi cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương quá tải. Tôi cho rằng Ban soạn thảo Luật Xuất bản cần sửa đổi nghiên cứu điều chỉnh các điều khoản trên theo hướng việc phân cấp quản lý mạnh hơn cho cơ quan chức năng ở địa phương thì việc quản lý hoạt động xuất bản sẽ hiệu quả hơn và mang lại lợi ích cho người đọc.
´Một vấn đề mới là quy định về xuất bản điện tử. Quy định tại Luật Xuất bản lần này liệu đã đầy đủ chưa, thưa bà?
Loại hình xuất bản điện tử được đánh giá là xu thế tương lai của ngành Xuất bản. Tuy nhiên, đây là hình thái mới của hoạt động xuất bản, sẽ có nhiều thay đổi khó dự báo. Trong điều kiện của ta hiện nay, tôi cho rằng Luật Xuất bản sửa đổi quy định mang tính nguyên tắc với hoạt động quản lý xuất bản điện tử và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Trong quá trình đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm trong và ngoài nước, ở các địa phương để có quy định chi tiết và linh hoạt, đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của lĩnh vực này hiện nay.
´Vấn đề liên kết xuất bản trong thời gian qua đã tạo ra những bất cập do đối tác liên kết gần như làm hết về phần nội dung. Quy định mới có chấn chỉnh hiện trạng này không, thưa bà?
Trong đánh giá tình hình quản lý xuất bản vừa qua, chúng ta đều nhận thấy quy định trong Luật Xuất bản hiện hành chưa đủ, chi tiết, dẫn đến hoạt động liên kết xuất bản trong thời gian qua có nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến thị trường đọc của chúng ta. Do vậy, trong dự thảo Luật Xuất bản trình lần này, chúng tôi thấy quy định liên kết xuất bản, đặc biệt quy định của phía liên kết là rõ. Tôi đồng tình với những quy định bổ sung.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Xuân Cường (ghi)