Đây là một hoạt động trong Chương trình đánh giá năng lực (CEPPP) cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Nhóm chuyên gia Gìn giữ hòa bình Chu kỳ 4 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).
Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo CEPPP-2023 chủ trì buổi quan sát. Cùng dự có thành viên Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Tùy viên Quốc phòng cùng Trưởng đoàn 18 nước thành viên ADMM+, đội ngũ các giảng viên, học viên và quan sát viên quốc tế tham dự Chương trình CEPPP-2023.
Sau 2 ngày huấn luyện lý thuyết chung, 3 ngày huấn luyện thực hành kỹ năng chuyên ngành và 3 ngày hợp luyện các tình huống tổng hợp, các lực lượng tham gia huấn luyện trình diễn thực hành tình huống: Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc bị thương do gặp vật nổ trong quá trình làm nhiệm vụ.
Theo Đại tá Nguyễn Như Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, việc diễn tập tình huống nhằm giúp học viên nâng cao nhận thức về vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và phản ứng, xử trí phù hợp trong môi trường quân sự tích hợp giữa các bộ phận Quan sát viên quân sự, Công binh và Quân y.
Thành phần tham gia thực hành tình huống bao gồm: Tổ Quan sát viên (4 thành viên) đến từ Việt Nam, Australia, Nhật Bản, Singapore; Phân đội Công binh (12 quân nhân Việt Nam); Tổ Quân y hiện trường (4 quân nhân Việt Nam và Nhật Bản); Tổ Quân y tăng cường (3 quân nhân của Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc); Tổ vận chuyển y tế đường không AMET (3 quân nhân Việt Nam); Tổ bay trực thăng của Trung đoàn 916, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân; lực lượng quần chúng trong trại tị nạn.
Tình huống đặt ra là một phân đội Công binh của Việt Nam đang thi công mở rộng trại tị nạn nhằm hỗ trợ người dân cải thiện chất lượng cuộc sống thì bất ngờ tiếp xúc vật liệu nổ. Có 3 nhân viên đội công binh bị thương, gồm: Một nạn nhân bị sốc chấn thương, vết thương thấu bụng; một nạn nhân bị vết thương phần mềm thành ngực phải, nhiều vết thương nhỏ rải rác tứ chi; một nạn nhân gãy kín 1/3 giữa 2 xương cẳng chân trái.
Ngay lập tức, chỉ huy phân đội cơ động ra vị trí xem xét tình hình, xác định vị trí nguy hiểm, yêu cầu 2 quân nhân đánh dấu vị trí nguy hiểm; ra lệnh cho 5 quân nhân vận chuyển nạn nhân bị thương vào khu vực an toàn; yêu cầu Tổ Quân y hiện trường nhanh chóng tiếp cận nạn nhân, tiến hành sơ cứu thương, phân loại bệnh nhân, tổng hợp tình hình báo cáo cấp trên.
Sau đó, Tổ trưởng Tổ quân y trực tiếp kiểm tra, xử lý nạn nhân bị thương nặng. Tổ Quân y chuẩn bị cáng, cố định bệnh nhân vào cáng, chuyển lên xe cứu thương, tiếp tục theo dõi các chỉ số sinh tồn; báo cáo về Bệnh viện dã chiến cấp 1 về tình hình sự việc và mức độ các nạn nhân.
Bên cạnh đó, Tổ Quân y tăng cường từ Bệnh viện dã chiến cấp 1 nhanh chóng tiếp cận hiện trường nắm tình hình, thăm khám bệnh nhân, vận chuyển 2 bệnh nhân bị thương nhẹ về bệnh viện cứu chữa… Trong khi đó, Tổ Quan sát viên quân sự tiếp xúc người đứng đầu trại tị nạn, tìm hiểu và thu thập thông tin về an ninh cũng như đời sống của người dân. Sau khi trực thăng tiếp cận hiện trường và hạ cánh, Tổ vận chuyển y tế đường không nhanh chóng tiếp cận nạn nhân, đưa lên xe cứu thương cơ động ra vị trí trực thăng để vận chuyển lên tuyến trên theo đúng quy trình AMET.
Đây là tình huống tích hợp, có sự tham gia của nhiều bộ phận đến từ nhiều quốc gia. Tình huống diễn tập trên là khá phổ biến trong môi trường hoạt động tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đòi hỏi sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các bộ phận tham gia trong một phái bộ tích hợp đa chiều.
Theo Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo CEPPP 2023, đây là hoạt động cuối Chu kỳ 4 (2021 - 2023) của Nhóm chuyên gia Gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ ADMM+. Bày tỏ ấn tượng với những kết quả đạt được và sự thể hiện của các quân nhân qua quá trình thực hành tình huống với quy trình tích hợp, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn đánh giá, kết quả đạt được là minh chứng cho những nỗ lực của tất cả các lực lượng trong khung tập bài. Thành công của hoạt động đã góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam và nước đồng chủ trì Nhật Bản trong việc tích cực đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của các quốc gia thành viên ADMM+.