Malaysia chủ động xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC lần thứ nhất (SOM 1) và các cuộc họp liên quan đã diễn ra từ ngày 20-22/2 tại thành phố Putrajaya của Malaysia, dưới sự chủ trì của Chủ tịch SOM APEC 2020 - ông Hairil Yahri Yaacob.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh SOM 1 APEC 2020. Ảnh: TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, hội nghị có sự tham dự của 21 thành viên APEC, Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Ban Thư ký ASEAN và Ban Thư ký APEC quốc tế. Trong khuôn khổ Hội nghị SOM 1, nước chủ nhà Malaysia đã tổ chức nhiều hội thảo, đối thoại chính sách quan trọng, trong đó có Đối thoại nhiều bên cao cấp về Tầm nhìn APEC sau  năm 2020. Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị gồm đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Ban chỉ đạo hội nhập liên ngành quốc tế về kinh tế.

Trong lần thứ 2 đăng cai APEC, nước chủ nhà Malaysia đã chọn chủ đề cho năm 2020 là “Tối ưu hóa tiềm năng con người hướng tới tương lai vì sự thịnh vượng chung” với 3 ưu tiên, gồm: tăng cường thương mại – đầu tư, tham gia kinh tế bao trùm thông qua công nghệ và kinh tế số, và thúc đẩy phát triển bền vững mang tính sáng tạo.

Tại Hội nghị SOM 1, chương trình nghị sự được Malaysia xây dựng dựa trên 3 ưu tiên của năm APEC 2020, trong đó tập trung thảo luận các vấn đề chính như thúc đẩy Hội nhập Kinh tế khu vực (REI), tổng kết hoàn thành các Mục tiêu Bogor, xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020, các văn kiện quan trọng và công tác chuẩn bị cho loạt hội nghị Bộ trưởng về Thương mại (MRT) và Du lịch (TMM) trong tháng 4/2020 và Cải cách cơ cấu (SRMM) vào tháng 8/2020. 

Về thúc đẩy Hội nhập kinh tế khu vực (REI), các SOM đã thảo luận về những đóng góp của APEC cho hệ thống thương mại đa phương (MTS) trong bối cảnh kỷ niệm 25 thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC 12) đang đến gần; tiến độ xây dựng báo cáo tổng kết hoàn thành Mục tiêu Bogor về thương mại - đầu tư tự do và mở; thực thi Kế hoạch chi tiết về Kết nối APEC 2015 – 2025 trong kỷ nguyên số (Blueprint 2.0); cập nhật tiến độ triển khai các chương trình làm việc hướng tới hiện thực hóa Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); tình hình thực thi Lộ trình Cạnh tranh dịch vụ APEC (ASCR) và Lộ trình APEC về Kinh tế mạng và kinh tế số (AIDER) được thông qua năm 2017 tại Việt Nam. Các sáng kiến thúc đẩy chương trình nghị sự về kinh tế và công nghệ số là nội dung nghị sự được các thành viên đặc biệt quan tâm. Theo kế hoạch, bên lề Hội nghị SOM 2, Malaysia sẽ tổ chức Tuần lễ số từ ngày 12 đến ngày 19/4/2020. Trong tháng 4 tới, Nhóm đặc trách về Kinh tế số (DESG) sẽ có phiên họp đầu tiên trong năm để thảo luận chi tiết về Kế hoạch thực thị AIDER.

Chú thích ảnh
Các đại biểu chủ trì SOM 1. Ảnh: TTXVN

Theo chương trình nghị sự, các SOM ghi nhận tiến độ xây dựng Báo cáo Chính sách kinh tế APEC (AEPR) và đề xuất của Malaysia về rà soát Lộ trình An ninh lương thực APEC; chia sẻ quan điểm trong xây dựng kế hoạch thực thi Lộ trình La Serena về Phụ nữ và Tăng trưởng bao trùm. Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận xây dựng Tầm nhìn APEC sau năm 2020 để trình lên các Nhà Lãnh đạo APEC xem xét, thông qua tại Hội nghị Cấp cao APEC (AELM) vào tháng 11/2020.

Hội nghị SOM 1 đã khép lại chuỗi hoạt động chính thức đầu tiên của năm APEC 2020 và là bước chuẩn bị quan trọng trước thềm Hội nghị MRT 26 sẽ được tổ chức tại Kota Kinabalu vào tháng 4 tới đây.    

 

Mạnh Tuân (TTXVN)
Kết thúc hội nghị SOM 1 với nhiều kết quả quan trọng định hướng hợp tác APEC 2017
Kết thúc hội nghị SOM 1 với nhiều kết quả quan trọng định hướng hợp tác APEC 2017

Ngày 3/3, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), các quan chức cao cấp của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn APEC kết thúc ngày làm việc cuối cùng và then chốt nhất trong dịp Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) và các cuộc họp liên quan (18/2 - 3/3/2017).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN