Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII:

Minh bạch và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 20/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; thảo luận dự án Luật đấu thầu (sửa đổi).

Đầu phiên làm việc buổi sáng, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011. Theo đó: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 962.982 tỷ đồng,  bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Đinh Thị Mai Lan phát biểu ý kiến. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN


Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.034.244 tỷ đồng (một triệu, không trăm ba mươi tư nghìn, hai trăm bốn mươi tư tỷ đồng), bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012. Bội chi ngân sách nhà nước là 112.034 tỷ đồng (một trăm mười hai nghìn, không trăm ba mươi tư tỷ đồng), bằng 4,4% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm số kết dư của ngân sách địa phương.

Thời gian còn lại của buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu hiện hành. Các ý kiến cho rằng p hạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2005 còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhiều hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước đã phát sinh trong thời gian qua; việc phân cấp trong hoạt động đấu thầu mua sắm tài sản cho cơ quan nhà nước chưa được quy định cụ thể như đối với dự án đầu tư; thủ tục trình duyệt chưa được tinh giản làm mất nhiều thời gian tổ chức hoạt động đấu thầu. Cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ….

* Minh bạch hóa và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng (Chương IV Dự thảo Luật), dự án Luật đã bổ sung quy định về đấu thầu qua mạng. Qua thảo luận, nhiều ý kiến của các đại biểu tán thành với quy định mới này, góp phần minh bạch hóa và đơn giản hóa thủ tục đấu thầu, đồng thời thực hiện đầy đủ cam kết với cộng đồng quốc tế về quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả của hoạt động đấu thầu.

Đánh giá đây là một quy định mới, nhiều tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tuy nhiên đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) cho rằng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu nội dung này không được quy định cụ thể. Để hoạt động đấu thầu qua mạng khả thi, đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa các bên tham gia; ngoài việc các bên tham gia phải đóng tiền bảo đảm, bảo lãnh được quy định, hoàn chỉnh các văn bản kèm theo hồ sơ thì người có thẩm quyền, nhà đầu tư cần biết rõ tư cách cá nhân của người có chữ ký. Đại biểu cho rằng ban soạn thảo nên xem xét bổ sung người có chữ ký phải gửi kèm giấy chứng thực tư cách cá nhân để đảm bảo tính xác thực của các pháp nhân; đồng thời Chính phủ cần xây dựng cơ chế thông tin đạt chuẩn, có cơ chế hoạt động chuyên nghiệp, công khai.

Đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) đề nghị dự án Luật cần quy định lộ trình cụ thể khi đấu thầu qua mạng. Nhận xét quy định đấu thầu qua mạng sẽ đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà thầu, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian đi lại... đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) vẫn còn băn khoăn, lo ngại về tính bảo mật thông tin trong đấu thầu qua mạng. Đại biểu đề nghị xem xét, cân nhắc quy định này một cách hợp lý, an toàn.

* Cần quy định cụ thể, rõ ràng trong chỉ định thầu

So với luật hiện hành, dự án Luật quy định cụ thể hơn về các trường hợp chỉ định thầu trên cơ sở pháp điển hóa quy định về các trường hợp chỉ định thầu tại Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn khác; đồng thời bổ sung các trường hợp đủ tiêu chí, điều kiện để thực hiện chỉ định thầu đối với nhà đầu tư nhằm phù hợp với phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 của dự án Luật.

Tuy nhiên qua thảo luận, một số ý kiến đề xuất cần hướng tới những quy định cụ thể, rõ ràng trong chỉ định thầu để tạo sự minh bạch trong thực thi. Đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) có quan điểm cần hạn chế các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu. Theo đại biểu, dự án Luật quy định tới 12 trường hợp được chỉ định thầu là quá rộng. Việc chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa; lý do chỉ định thầu cần rõ ràng, phù hợp, không phiến diện. Đại biểu lo ngại chỉ định thầu chung chung dễ bị lợi dụng, dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực…

Vấn đề này, Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra cho rằng dự án Luật đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng chỉ định thầu, do vậy sẽ hạn chế được tình trạng lợi dụng để chỉ định thầu tràn lan, trốn tránh trách nhiệm trong quá trình chỉ định thầu. Đối với trường hợp chỉ có một nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu thì thực hiện chỉ định thầu là phù hợp với thực tiễn, rút ngắn được thời gian và tiết kiệm được những khoản chi phí không cần thiết.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng thấy rằng cần có các quy định chi tiết, cụ thể về tiêu chuẩn đủ năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu để bảo đảm tính chặt chẽ; cần t iếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người có thẩm quyền, cũng như ý thức thực thi pháp luật, từ đó bảo đảm tính nghiêm minh, công khai và minh bạch trong hoạt động chỉ định thầu…

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về tên gọi của dự án Luật ; phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu ; giải quyết kiến nghị trong đấu thầu...

Chiều 20/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường.


Quỳnh Hoa

Khẳng định chế độ sở hữu toàn dân  đối với đất đai
Khẳng định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai

Ngày 17/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung quan trọng này được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN