Mở cửa nhưng luôn đề cao cảnh giác với dịch bệnh

Tham gia thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngày 21/10, các lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ đã có những phân tích làm rõ một số nội dung nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm; trong đó khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước là không thể mãi đóng cửa, cần phải mở cửa để phát triển kinh tế - xã hội, song cũng luôn đề cao cảnh giác.

Phải biết rút kinh nghiệm để thời gian tới làm tốt hơn

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ở tổ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Bày tỏ nhất trí với báo cáo Chính phủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc quản trị đất nước 100 triệu dân là vấn đề rất khó khăn, nhất là trong điều kiện Việt Nam hiện nay. “Nếu chúng ta làm việc tốt, cầu thị, lo cho dân thì chúng ta sẽ tiến bộ, phục vụ tốt cho nhân dân. Nhân dân trao cho chúng ta quyền rất lớn nhưng cũng yêu cầu rất lớn. Chúng ta phải biết rút kinh nghiệm tất cả việc chúng ta đã làm để thời gian tới làm tốt hơn”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước mong rằng Chính phủ tiếp tục phát huy, các bộ trưởng hoàn thành suất xắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch nước cho biết, đã qua 4 đợt dịch, trong đó ông và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chứng kiến và chỉ đạo 3 đợt dịch, đến đợt thứ 4, mặc dù đã chuyển sang làm Chủ tịch nước nhưng với trách nhiệm của nguyên thủ quốc gia, ông thường xuyên gọi điện, trao đổi với Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế…

Theo Chủ tịch nước, đợt dịch vừa qua cho thấy sự cố gắng lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt lực lượng tuyến đầu như quân đội, công an, nhất là y tế.

Chủ tịch nước cho biết, phương thức hiện nay đã không còn là "không COVID-19” mà chuyển sang thích ứng với COVID-19 bằng những biện pháp như 5K, vaccine, thuốc. Nhấn mạnh việc không được chủ quan, không đơn giản hóa, thích ứng nhưng phải kiểm soát tốt, đề cao cảnh giác, Chủ tịch nước lấy ví dụ về một số nước gần đây phải tái áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Chủ tịch nước cũng nêu ra những ổ dịch mới vừa diễn ra ở Cà Mau, Nam Định,  Phú Thọ… để nhấn mạnh việc không thể chủ quan. Tuy nhiên, Chủ tịch nước nêu rõ, không thể đóng cửa mãi đất nước, nhất là trong bối cảnh các nước đều mở cửa. Nước ta cũng phải mở cửa để giải quyết vấn đề việc làm, tạo thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là yêu cầu rất lớn hiện nay nhưng vẫn phải có tinh thần đề cao cảnh giác.
 
Về lĩnh vực kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước cho biết, nước ta đã xuất một số quỹ để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, an sinh xã hội. Nhân đây, Chủ tịch nước cũng nhắc đến tấm lòng của doanh nghiệp, công trạng của nhân dân là vô cùng lớn, phải biểu dương, trân trọng, dựa vào sức dân, dựa vào xã hội hoá để hỗ trợ cho công tác khám chữa bệnh.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ở tổ. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Là đại biểu Quốc hội của TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước đánh giá, thành phố có chương trình tái thiết kinh tế hết sức quyết liệt, bước đầu nhiều người lao động quay lại làm việc. Đây là cơ sở để có niềm tin vào một đất nước phát triển sau đại dịch.

Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam có hàng nghìn nhà máy với công nghệ cao, kể cả công nghiệp chế biến nên không khí trở lại làm ăn rất tốt. Chủ tịch nước tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại với phong độ mới, sẽ đạt được mục tiêu Chính phủ đã báo cáo Quốc hội; đặc biệt năm 2022, Việt Nam có thể phấn đấu đạt con số tăng trưởng GDP 6,5%.

Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh đến không khí lao động sản xuất, quyết tâm của người dân và doanh nghiệp đang rất tốt. Bên cạnh đó, nguồn vốn đổ vào Việt Nam cả trực tiếp và gián tiếp cũng rất tốt, đồng thời người Việt Nam có "cái khó ló cái khôn", đã xuất hiện nhiều tấm gương tại các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… Có một số địa phương vươn lên mạnh mẽ như các tỉnh Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh.
 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm, đoàn kết thống nhất của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động kiểm soát dịch, phổ cập tiêm vaccine, chỉ đạo sản xuất kinh doanh linh hoạt, phù hợp, đảm bảo kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ tốt, đời sống người dân sẽ trở lại bình thường. Xu hướng đáng mừng hiện nay là dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao, cải cách thể chế tốt hơn, thu hút mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhân dân không ủng hộ thì không làm gì được

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội sáng 21/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao cách tiếp cận toàn dân trong phòng, chống dịch của Việt Nam.

“Chúng ta đã từng bước kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát được tình hình dịch; phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự chia sẻ với Chính phủ, các bộ, ngành, thể hiện sự đồng hành của Quốc hội trong việc chủ động, tích cực phối hợp với Chính phủ.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, về chính sách chống dịch, qua kinh nghiệm, có thể đúc kết thành 3 trụ cột chính: giãn cách; cách ly; xét nghiệm và điều trị. Theo đó, giãn cách, cách ly hẹp nhất, nhanh nhất, chặt nhất có thể, có mục tiêu và lộ trình rõ ràng; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế, từ đó nhanh chóng phân loại, chăm sóc, điều trị F0; điều trị từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong.
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nếu nhân dân không ủng hộ thì cũng không làm gì được. Vì vậy, Chính phủ luôn nhấn mạnh và đề cao ý thức người dân trong phòng chống dịch.
 
Kinh nghiệm vừa qua cũng cho thấy, để triển khai các biện pháp nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch thì phải huy động nguồn lực của nhiều địa phương để dồn cho một địa phương. Thủ tướng lấy ví dụ, các bộ ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành phố xung quanh đã dồn lực hỗ trợ để Hà Nội tiến hành đợt xét nghiệm, tiêm chủng thần tốc trong 1 tuần, từ đó đánh giá đúng nguy cơ dịch bệnh và tiến hành nới lỏng giãn cách. Theo hướng đi này, chúng ta đã kiềm chế được dịch, từng bước đẩy lùi và kiểm soát tình hình; đồng thời, khi vaccine được bao phủ rộng hơn, sẽ chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
 
WHO đã đánh giá cao cách tiếp cận toàn dân trong phòng, chống dịch của Việt Nam, cách làm này đã thể hiện rõ hiệu quả và tính ưu việt. Cụ thể hơn, Việt Nam đã nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện theo cách tiếp cận toàn dân, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” và là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cấp cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho nhân dân.
 
Thủ tướng lấy ví dụ, cả nước đã hỗ trợ để TP Hồ Chí Minh có hơn 500 trạm xá lưu động trong điều kiện dịch là nỗ lực rất lớn.
 
Thực tế phải thần tốc nâng cao năng lực y tế vì điều kiện có hạn, năng lực hệ thống y tế cơ sở trong điều kiện bình thường có thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, nhưng trong điều kiện COVID-19 với biến chủng Delta thì khó đáp ứng.

Về phương hướng trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định, vẫn ưu tiên tập trung phòng, chống COVID-19 nhưng theo các biện pháp phù hợp. Vừa qua, Việt Nam phải dùng nhiều biện pháp hành chính để phòng, chống dịch khi chưa có nhiều vaccine. Các biện pháp này ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội. Bằng các biện pháp vận động, ngoại giao vaccine quyết liệt, Việt Nam đã tăng được tỷ lệ bao phủ vaccine, cùng với việc nâng cao năng lực y tế cơ sở và các biện pháp khác, đây là cơ sở để nới lỏng các biện pháp hành chính.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp cho nên đó mới chỉ là hướng dẫn tạm thời. Bộ Y tế cũng ban hành

Quyết định số 4800/QĐ-BYT hướng dẫn với định hướng như vậy. Các quy định, chính sách này đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành công.

Về các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng các chính sách phải vừa giải quyết được khó khăn trước mắt, vừa phải bảo đảm về mặt lâu dài. Trong đó, bội chi ngân sách nhà nước phải tính toán cho hợp lý.

Cùng với việc tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tới việc phải tập trung lo công tác an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; đồng thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ để doanh nghiệp có thêm sức sức mạnh, có thêm nguồn lực, giải quyết việc làm cho người dân. Bên cạnh đó là các giải pháp đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng chiến lược, tạo điều kiện cho tăng trưởng, tránh đầu tư manh mún, dàn trải; tập trung cải cách thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chống tiêu cực, lãng phí trong quá trình phát triển...

TTXVN/Báo Tin tức
Thông cáo báo chí số 2, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Thông cáo báo chí số 2, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Thứ Năm, ngày 21/10/2021, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 2 theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN