Phát triển du lịch là nhiệm vụ trong công tác ngoại giao kinh tế
Bộ Ngoại giao cho biết, Bộ xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mỗi Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện và cán bộ Ngoại giao là một “Đại sứ du lịch”, “Đại sứ văn hóa” của Việt Nam ở nước ngoài với nhiệm vụ quảng bá, tăng cường hiểu biết của sở tại về đất nước, con người, văn hóa, du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam.
Ngay khi Chính phủ quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế sau đại dịch COVID-19 (15/3/2022), Bộ Ngoại giao đã chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị triển khai mở cửa du lịch an toàn, hiệu quả để tham mưu các biện pháp mở cửa an toàn, thúc đẩy thu hút du lịch.
Hàng năm, các cơ quan đại diện tích cực phối hợp, hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương và doanh nghiệp tổ chức hơn 50 hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tại các thị trường khách du lịch trọng điểm (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, EU...); triển khai các sự kiện Ngày Việt Nam ở nước ngoài, lễ hội văn hóa, du lịch, ẩm thực tại nhiều địa bàn nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao.
Cùng với đó là kết nối, vận động chính trị - ngoại giao và hỗ trợ các hãng hàng không mở các đường bay thẳng, tăng tần suất chuyến bay, điểm đến giữa Việt Nam và các nước; đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương trong xây dựng hồ sơ và vận động UNESCO công nhận các di sản thiên nhiên và văn hóa, nâng số lượng di sản được UNESCO công nhận lên 62 và phát huy các di sản để thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa phương.
Trong nghiên cứu, tham mưu, xây dựng chính sách du lịch, Bộ Ngoại giao chú trọng đưa các nhiệm vụ phục vụ phát triển du lịch vào trong các văn bản quan trọng định hướng công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển như Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị 15...
Bộ Ngoại giao tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng các chiến lược, định hướng phát triển ngành du lịch; tìm hiểu, tham mưu kinh nghiệm quốc tế trong phục hồi, thu hút khách du lịch quốc tế và phát triển du lịch bền vững cho ngành du lịch, các địa phương, doanh nghiệp. Bộ cũng chủ động, kịp thời tham mưu Chính phủ về việc mở rộng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước và ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông với các nước (Panama, Kazakhstan, Belarus, Mông Cổ) để thúc đẩy du lịch.
Mở rộng cấp thị thực điện tử
Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, Bộ Ngoại giao đã trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị phương án mở rộng chính sách đơn phương miễn thị thực. Ngày 14/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP, theo đó quyết định mở rộng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; bổ sung một số cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng e-visa.
Bên cạnh đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Ngoại giao, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về việc sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ- CP về việc miễn thị thực cho công dân của 13 nước (gồm: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus). Theo đó, thời hạn tạm trú miễn thị thực của công dân các nước này được nâng lên là 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg; trong đó, giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách mở rộng miễn thị thực cho công dân một số nước phù hợp với tình hình mới và quan hệ hợp tác song phương. Bộ Ngoại giao được giao tổng kết, đánh giá việc áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước; chủ động phối hợp với Bộ Công an đề xuất mở rộng các nước có công dân được đơn phương miễn thị thực.
Để tiếp tục quảng bá, phát triển du lịch, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của các cơ quan đại diện để đẩy mạnh tham mưu về các xu thế phát triển du lịch, thông tin về nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch tại các thị trường, các điều chỉnh chính sách, kinh nghiệm thu hút khách du lịch quốc tế và phát triển du lịch bền vững cho ngành Du lịch, các địa phương, doanh nghiệp.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thị hiếu thị trường; tận dụng các chuyến thăm cấp cao, các hoạt động kỷ niệm quan hệ ngoại giao để triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch, tạo hiệu ứng lan tỏa hiệu quả.
Ngoài ra, Bộ nâng cao hiệu quả trao đổi thông tin và phối hợp triển khai với các bộ, ngành, đặc biệt là với các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư..., các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để gắn kết du lịch với thương mại, đầu tư..., tạo sức mạnh tổng thể trong xúc tiến, thu hút du lịch quốc tế. Đẩy mạnh kết nối hợp tác du lịch với các đối tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, nâng cao kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực.
Bộ Ngoại giao tiếp tục thúc đẩy đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông với một số nước; chủ động tham mưu các địa bàn, đối tác phù hợp; tiến hành tổng kết chính sách miễn thị thực đơn phương với công dân 13 nước; chủ động phối hợp với Bộ Công an đề xuất mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; chỉ đạo thường xuyên, kịp thời các cơ quan đại diện tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách thị thực của Việt Nam, hướng dẫn công dân nước ngoài thực hiện thủ tục xin e-visa.
Theo Bộ Ngoại giao, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử; phát triển các sản phẩm du lịch mới, có giá trị gia tăng cao, mang tính đột phá, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam (như du lịch Halal, du lịch sinh thái, du lịch hội thảo, du lịch đám cưới, du lịch thông qua điện ảnh, phim trường...).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tăng cường đổi mới nội dung, cách thức xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường phối hợp với Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến du lịch tổng thể, kết hợp với các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. Với mỗi thị trường cần có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thị hiếu của địa bàn; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới, chuyên đề như du lịch xanh, du lịch hội thảo (MICE), du lịch golf, du lịch đám cưới...; nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp của các cơ sở dịch vụ, đội ngũ lao động trong ngành du lịch.