Mỗi kiều bào trẻ là một 'đại sứ'

Nhằm triển khai Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình Trại hè Việt Nam 2022 sau 2 năm bị gián đoạn bởi dịch COVID-19.

Tham dự Trại hè Việt Nam năm nay có trên 100 đại biểu là thanh, thiếu niên tiêu biểu trong thế hệ trẻ kiều bào, được các cơ quan đại diện, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu tham dự chương trình. Dự kiến, chương trình kéo dài 16 ngày (từ ngày 19/7 - 3/8/2022) với các hoạt động đa dạng, diễn ra tại 9 tỉnh, thành phố, trải dài trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam.

Chú thích ảnh
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng. Ảnh tư liệu: Anh Tuấn/TTXVN

Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng đã trả lời phỏng vấn báo chí nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của một số hoạt động trong chương trình để kết nối, giao lưu với thanh niên, sinh viên trong nước; trở về cội nguồn để khuyến khích thế hệ trẻ gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại cũng như Việt Nam; đồng thời trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước.

Xin ông cho biết ý nghĩa của việc tổ chức Trại hè Việt Nam cho thế hệ trẻ kiều bào?

Trại hè Việt Nam là hoạt động do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, tổ chức thường niên, dành cho thanh niên kiều bào tiêu biểu trên toàn thế giới. Việc tổ chức chương trình thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào, đáp ứng nguyện vọng của thế hệ trẻ mong muốn được tìm hiểu về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của đất nước, giao lưu với thanh niên, sinh viên trong nước.

Đây còn là cơ hội để giáo dục và bồi đắp tình yêu quê hương, truyền thống yêu nước và nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam, cũng như tri ân công đức tổ tiên, công ơn các thế hệ cha anh đi trước.

Thông qua các đại biểu về từ các nước trên thế giới, Trại hè Việt Nam cũng góp phần quảng bá và giới thiệu ra bên ngoài các giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam, góp phần vận động kiều bào, nhất là thế hệ trẻ hướng về quê hương, đất nước.

Chương trình nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và mới đây nhất là Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó khẳng định "người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc" cũng như nhiệm vụ trọng tâm "triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại, trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước".

Kể từ năm 2004, Trại hè Việt Nam đã thu hút sự tham gia của khoảng 2.000 thanh niên, sinh viên người Việt Nam từ trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các đại biểu tham gia chương trình là những gương mặt tiêu biểu trong các lĩnh vực học tập, thể thao, nghệ thuật… và có đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng cộng đồng. Chương trình năm nay có sự tham gia của 108 đại biểu trong độ tuổi từ 16-24 tuổi, đại diện cho thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài, trở về từ 25 quốc gia khác nhau trên thế giới.

Xin ông đánh giá về công tác chuẩn bị tổ chức chương trình đến thời điểm này của Ban Tổ chức và các đơn vị, địa phương? Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tổ chức chương trình?

Chương trình Trại hè Việt Nam năm nay do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức với sự phối hợp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 9 địa phương trên cả nước.

Chương trình diễn ra trong nhiều ngày với không gian và nội dung hoạt động phong phú, đa dạng, dành cho nhóm đối tượng là kiều bào trẻ tuổi, do đó công tác chuẩn bị tổ chức chương trình được Ban Tổ chức đặc biệt quan tâm.

Chúng tôi đặt trọng tâm vào hai mục tiêu lớn: Bảo đảm an ninh, an toàn của Đoàn trong suốt hành trình; bảo đảm khâu tổ chức thực hiện có một chương trình ý nghĩa cho các em trại sinh.

Cho đến thời điểm này, công tác phối hợp tổ chức chương trình diễn ra rất thuận lợi và chu đáo. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan hữu quan trong nước và các địa phương (nơi diễn ra các hoạt động của Đoàn) để thông tin rộng rãi tới cộng đồng về Đoàn, giới thiệu thông tin đại biểu kiều bào trẻ tiêu biểu tham gia chương trình; tổ chức chuẩn bị nội dung, đảm bảo công tác lễ tân, hậu cần để các đại biểu thanh niên, sinh viên kiều bào có một chương trình an toàn, ý nghĩa trên quê hương Việt Nam.

Chú thích ảnh
Đoàn trại hè Việt Nam tham quan quê nội Bác Hồ. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Ngoài các hoạt động về nguồn dành cho tuổi trẻ kiều bào, trong thời gian tới, Ủy ban Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có những hoạt động gì nhằm khuyến khích thế hệ trẻ gắn bó với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại cũng như của Việt Nam, trở thành cầu nối, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước?

Trước thực tiễn hội nhập và phát triển của đất nước, sự tham gia mạnh mẽ vào nền kinh tế của các tập đoàn đa quốc gia, các công ty khởi nghiệp toàn cầu, cần thiết phải có nguồn lao động trẻ chất lượng cao, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Đây sẽ là lực lượng chủ đạo, đóng vai trò "đầu tàu" trong công cuộc phát triển đất nước thời gian tới. Trong số đó, thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài với ưu thế được học tập, rèn luyện tại các quốc gia phát triển, tiếp cận tri thức khoa học tiên tiến, công nghệ hàng đầu, sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển. Do đó, việc tạo điều kiện thu hút, khuyến khích thế hệ trẻ kiều bào hướng về quê hương, đất nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác người Việt Nam ở nước ngoài thời gian tới.

Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động về nguồn để các em hiểu thêm về quê hương, đất nước, thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã và đang triển khai, bảo trợ nhiều hoạt động nhằm kết nối thế hệ trẻ kiều bào với các cơ quan, tổ chức trong nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có thể kể đến Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu hay Cuộc thi Đổi mới sáng tạo toàn cầu Hack4growth, do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức... nhằm kết nối các tổ chức cá nhân khởi nghiệp toàn cầu với các doanh nghiệp, địa phương trong nước.

Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong công tác phát triển thanh, thiếu niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, tại những chương trình như Trại hè Việt Nam hay các diễn đàn kết nối do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, chúng tôi tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của thế hệ trẻ kiều bào, phản ánh tới các cơ quan, tổ chức liên quan để tăng cường kết nối, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.

Ngoài những đóng góp về trí lực, chúng tôi cũng mong muốn mỗi một kiều bào trẻ sẽ là một "đại sứ" của Việt Nam, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với các cá nhân, tổ chức ngoài nước, quảng bá những giá trị tốt đẹp của Việt Nam ở nước sở tại.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

TTXVN/Báo Tin tức
Trại hè Việt Nam 2019 thăm quê hương Bác
Trại hè Việt Nam 2019 thăm quê hương Bác

Tiếp tục hành trình xuyên Việt, ngày 14/7, Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2019 đã đến tỉnh Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN