Phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam
Theo Nghị định số 16/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam có hiệu lực từ 1/4/2018, tàu thuyền đi qua lãnh hải Việt Nam nhưng không đi vào nội thủy Việt Nam thực hiện hành trình theo tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam đã được công bố.
Tàu thuyền vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý hoặc tàu quân sự, các loại tàu thuyền khác không vì mục đích thương mại đi qua lãnh hải, nội thủy Việt Nam để vào cảng biển Việt Nam phải hành trình đúng tuyến luồng và thực hiện thủ tục tàu thuyền theo quy định.
Tàu thuyền đi qua lãnh hải và nội thủy Việt Nam nhưng không đến cảng biển Việt Nam thì thuyền trưởng của tàu thuyền đó phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải khu vực biết về lý do, mục đích tàu thuyền vào nội thủy Việt Nam trong các trường hợp sau: Cấp cứu thuyền viên, hành khách trên tàu; tránh, trú bão; thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; chuyển giao người, tài sản, tàu thuyền đã cứu được trên biển; khắc phục hậu quả sự cố, tai nạn hàng hải đối với tàu thuyền; các trường hợp cấp thiết khác theo quy định của pháp luật.
Quy định công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước
Theo Nghị định 21/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ có hiệu lực từ 10/4/2018, hàng đặc biệt do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển gồm: Tiền mặt (tiền đồng Việt Nam), giấy tờ có giá (trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, công trái và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; tài sản quý (vàng, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ tiền mặt và các loại tài sản quý khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước.
Công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt phải đảm bảo nguyên tắc: Tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo vệ tuyệt đối an toàn hàng đặc biệt; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tuyệt đối bí mật kế hoạch, quá trình vận chuyển và các thông tin, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm hàng đặc biệt hoặc cản trở quá trình vận chuyển. Ngoài ra, phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt với cơ quan quản lý hàng đặc biệt và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; gắn công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt với việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên các tuyến vận chuyển.
Quy định về quyền tác giả, quyền liên quan
Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan có hiệu lực từ 10/4/2018.
Nghị định gồm 6 chương, 51 điều, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo đó, Nghị định quy định về chính sách của Nhà nước; trách nhiệm, nội dung quản lý Nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan; quy định về quyền tác giả, cụ thể: Tác giả, đồng tác giả; tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác; quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác; tác phẩm báo chí, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh; tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, nhiếp ảnh, kiến trúc; bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ; chương trình máy tính; tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả; quyền nhân thân; quyền tài sản; sao chép tác phẩm; trích dẫn hợp lý tác phẩm; thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm di cảo; chủ sở hữu quyền tác giả; chuyển nhượng quyền đối với tác phẩm khuyết danh; sử dụng tác phẩm thuộc về Nhà nước và tác phẩm thuộc về công chúng;...
Mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Theo Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có hiệu lực từ 15/4/2018, đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng thì mức phí bảo hiểm được xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân với tỷ lệ phí bảo hiểm quy định tại Nghị định. Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.
Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật, trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.
Nghị định cũng quy định cụ thể mức khấu trừ bảo hiểm. Mức khấu trừ bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm phải tự chịu trong mỗi sự kiện bảo hiểm.
Trình tự khiếu nại trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp Sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh) thực hành về điện – điện tử. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Có hiệu lực từ ngày 15/4/2018, Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27/2/2018 quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.
Nghị định gồm 4 chương, 47 điều, quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động. Cụ thể, Nghị định quy định nguyên tắc giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại, luật sư, trợ giúp viên pháp lý và người tham gia trợ giúp pháp lý; thẩm quyền giải quyết khiếu nại; trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai; quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và thi hành Quyết định giải quyết khiếu nại; quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo; thẩm quyền giải quyết tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo;...
Bổ sung điều kiện quản lý nội dung thông tin mạng xã hội Có hiệu lực từ 15/4/2018, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó, bổ sung điều kiện về quản lý nội dung thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.