Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

Chú thích ảnh
Kết luận thanh tra chỉ ra một số tồn tại ở hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải. Ảnh minh họa: Huyền Trang TTXVN

Một số tồn tại, vi phạm trong sắp xếp tổ chức lại, cổ phần hóa

Kết luận thanh tra chỉ ra một số tồn tại, vi phạm trong quá trình sắp xếp tổ chức lại, cổ phần hóa, quản lý sử dụng đất đai khi thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Cienco 4, Cienco 5, Cienco 6, Cienco 8...

Về việc thoái vốn nhà nước, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ sai phạm tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) như sau: Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đại diện chủ sở hữu đã tham mưu, đề xuất việc bán thoả thuận trực tiếp cho nhà đầu tư là Công ty T&T, không thực hiện bán đấu giá 49.060.7 cổ phần tại Cảng Quảng Ninh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 30 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ, dẫn đến chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, có hiệu quả, hạn chế tối đa tổn thất; tham mưu, đề xuất thoái 100% vốn nhà nước tại Cảng Quảng Ninh chưa đảm bảo đầy đủ cơ sở, nguyên nhân và hiệu quả của việc thoái vốn, chưa phù hợp với Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 04/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tái cơ cấu VIMC; tham mưu, đề xuất chuyển Cảng Nha Trang về tỉnh Khánh Hòa chưa phù hợp với Văn bản số 88/TTg-ĐMDN ngày 16/01/2012 và Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 04/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tái cơ cấu VIMC (theo đó VIMC phải nắm giữ 75% vốn điều lệ).

Theo kết luận thanh tra, để xảy ra tồn tại nêu trên trách nhiệm thuộc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ra, cũng theo kết luận thanh tra, VIMC xác nhận, đối chiếu không đầy đủ các khoản công nợ phải thu, phải trả khi xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - VIMC là không đúng với quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ; UBND tỉnh Khánh Hòa chậm trả lời phương án sử dụng đất của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Nha Trang đối với khu đất số 5 địa chỉ tại số 1A đường Phước Long, phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang là chưa thực hiện đúng với quy định tại điểm a khoản 4 Điều 31 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ. VIMC chậm quyết toán tài chính cổ phần hóa ảnh hưởng đến việc xác định vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chưa thực hiện kiên quyết xử lý những vướng mắc để thực hiện cổ phần hóa theo đúng kế hoạch tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Hải Phòng (nguyên nhân theo báo cáo của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam là do vướng mắc về phương án cho thuê cầu số 4, số 5 và bãi container thuộc Bến cảng Chùa Vẽ - Cảng Hải Phòng); Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cảng Sài Gòn (nguyên nhân là do phương án sử dụng đất đối với các cơ sở nhà đất tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt) là chưa thực hiện đúng khoản 2 Điều 21 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ.

"Để xảy ra tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc Công ty mẹ - VIMC, đơn vị tư vấn, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty mẹ - VIMC, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" - kết luận thanh tra nêu.

Đối với quá trình cổ phần hóa Công ty mẹ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, theo kết luận thanh tra, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cổ phần hóa các công ty bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt có quy mô nhỏ, phân tán rải rác, tỉ lệ bán cổ phần ra ngoài rất thấp, chủ yếu bán cho người lao động, khiến công tác cổ phần hóa của 26 đơn vị cổ phần hóa đều không đạt mục tiêu, yêu cầu, còn tình trạng khép kín trong nội bộ doanh nghiệp không đúng với quy định.

Cũng theo kết luận thanh tra, tại Công ty mẹ Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), dù không phải là đối tượng phải thực hiện cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ do phần lớn các cảng hàng không do ACV quản lý (21/22 cảng) được sử dụng cho mục đích lưỡng dụng, việc cổ phần hóa xuất phát từ chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải nên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc xử lý tài sản trong khu bay và ngoài khu bay, đất đai và cơ chế chính sách, làm ảnh hưởng an ninh, an toàn hàng không. “Thực tế việc cổ phần hóa ACV cũng không đạt được kết quả như phương án cổ phần hóa được phê duyệt” - Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Cũng theo kết luận thanh tra, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ACV khi chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý của 29 cơ sở nhà đất, chưa có phương án sử dụng đất gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, là chưa thực hiện đúng Nghị định số 189/2013 của Chính phủ; phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ACV khi chưa xử lý dứt điểm quyền sở hữu tài sản cố định trong khu bay nằm trên đất do Cảng vụ hàng không quản lý và quyền sử dụng đất của doanh nghiệp. Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra các tồn tại, vi phạm trong quá trình cổ phần hóa có trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, các đơn vị thành viên của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ACV và đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp...

Kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân

Từ kết luận thanh tra trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải kiểm điểm để xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải có liên quan trong việc để xảy ra các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (sắp xếp lại, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021). Chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có liên  quan để xảy ra các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong việc chậm quyết toán tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam VIMC, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV; trong việc chậm tham mưu đối với các cấp có thẩm quyền để Bệnh viện Giao thông vận tải sau khi cổ phần hóa hoạt động trong thời gian dài không hiệu quả...

“Quá trình xem xét, xử lý nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước thì chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định của pháp luật” - Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Xuân Tùng ( TTXVN)
Kết luận thanh tra về cổ phần hóa Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng
Kết luận thanh tra về cổ phần hóa Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra liên quan tới cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN