Mưa đá còn kéo dài đến hết tháng 5

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo, trong những ngày tới, không chỉ khu vực vùng núi phía Bắc mà các khu vực vùng núi Trung bộ, Tây Nguyên đều có khả năng hứng chịu mưa đá do những thay đổi bất thường của thời tiết lúc chuyển mùa.

Bất ngờ về mức độ nguy hiểm


Đánh giá về những trận mưa đá liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (DBKTTVTW) cho biết: “Từ trước đến nay, những trận mưa đá với hạt đá có kích thước to như hạt ngô hay nhỉnh hơn thì tương đối nhiều. Còn những trận mưa mà viên đá to như cái bát, cái ấm như vừa xảy ra tại tỉnh Lào Cai là chưa từng thấy. Trước đây, trung tâm cũng như các địa phương chưa từng ghi nhận trận mưa đá nào lớn như vậy”. Theo ông Hải, hiện tượng mưa đá sẽ tiếp tục xảy ra trong tháng 4 và tháng 5. Đây là hiện tượng thường gặp vào lúc giao mùa nhưng điều đáng lo ngại là độ lớn của viên đá cũng như tần suất xuất hiện dày đặc của mưa đá dịp này.

Người dân huyện Mường Khương (Lào Cai) lợp lại mái nhà bị vỡ, thủng do mưa đá. Ảnh: Lục Văn Toán – TTXVN


Sáng sớm 27/3, sau cơn gió lốc mạnh, một trận mưa đá với những viên đá kích cỡ lớn, dày đặc đổ xuống khắp các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai (Lào Cai). Trận mưa đá kéo dài trong khoảng 15 phút khiến 12.000 nhà dân bị hư hỏng, hơn 30 người bị thương. Các ngày sau đó, mưa đá liên tiếp xuất hiện và gây thiệt hại ở các huyện Sa Pa, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát và TP Lào Cai của tỉnh Lào Cai. Tính đến ngày 4/4, tỉnh này đã phải hứng chịu 5 cơn mưa đá. Mưa đá cũng xuất hiện tại các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An… khiến nhiều người dân lo lắng.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó phòng Khí tượng hạn vừa - hạn dài (Trung tâm DBKTTVTW), hầu như năm nào cũng xảy ra mưa đá ở các địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên… với cường độ khác nhau. Tuy nhiên, ông Hòa cũng cho rằng, những trận mưa vừa xảy ra ở Lào Cai là dị thường bởi viên đá có đường kính lớn, được xác định là chưa từng có từ trước tới nay.


Theo các chuyên gia khí tượng, hiện tượng mưa đá xảy ra khi có sự xung đột giữa hai luồng khí nóng và lạnh. Thuật ngữ trong ngành khí tượng gọi đây là sự “hội tụ mạnh”, từ đó sinh ra những dòng đối lưu (dòng chảy xiết của không khí ở độ cao trên 5.000 mét). Cụ thể, trong khoảng 4 - 5 ngày trước khi xuất hiện mưa đá, khu vực Tây Bắc bộ có nắng nóng khá gay gắt. Khi có sự xuất hiện của không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống, hơi nước bốc lên cao ngưng tụ lại thành hạt đá nhỏ, những hạt đá này tiếp tục đông kết và dính lại với nhau tạo nên những hạt đá to hơn và rơi xuống mặt đất. Kích thước của những hạt mưa đá trong các trận mưa vừa qua thể hiện sự chênh lệch lớn về nhiệt độ không khí.

Cần chủ động ứng phó


Theo dự báo, trong tháng 4 sẽ có các đợt gió mùa với cường độ mạnh từ phía bắc tràn về khiến nhiệt độ miền Bắc giảm sâu. Cơ quan khí tượng cảnh báo, khu vực Bắc bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội có khả năng xảy ra giông, lốc và mưa đá. Trước khi gió mùa về, một số nơi ở phía bắc, đặc biệt là Tây Bắc bộ thường có nắng nóng. Đây là tác nhân quan trọng gây nên sự xung đột giữa hai vùng nóng-lạnh, vì thế có nhiều khả năng khu vực này sẽ tái diễn các trận mưa đá.

Lốc xoáy, mưa đá gây thiệt hại 55 tỷ đồng

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 35 đợt lốc xoáy, mưa đá; ước tính tổng thiệt hại trên 55 tỷ đồng. Hiện tượng này xảy ra trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố, trong đó, các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất do các trận mưa đá xuất hiện dày và trên diện rộng là: Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Theo thống kê, các trận lốc xoáy, mưa đá đã làm 3 người chết, 66 người bị thương, hơn 18.000 ngôi nhà bị hư hại, trên 4.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, làm nhiều ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng nề…

H.T


“Các vùng cần đề phòng mưa đá bao gồm: Tây Bắc bộ, Tây Nguyên, vùng núi các tỉnh duyên hải Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Trong đó, khu vực Tây Bắc bộ cần đề phòng nhiều nhất”, ông Lê Thanh Hải cho biết. Cũng theo ông Hải, trước đây mưa đá thường xảy ra ở vùng đồi núi nên ít gây thiệt hại. Tuy nhiên, các trận mưa đá vừa qua lại đã trải rộng trên nhiều địa phương, trong đó có cả các khu vực thị trấn đông dân cư nên gây thiệt hại đáng kể đối với người dân.


Ông Hải cảnh báo, người dân phải thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết; đồng thời trang bị những kĩ năng cần thiết để ứng phó với hiện tượng này. Theo ông Hải, mưa đá chỉ là 1 trong 5 biểu hiện của dạng thời tiết xấu bao gồm: mưa lớn, tố lốc, vòi rồng, sét và mưa đá. Theo ông Nguyễn Đức Hòa, người dân có thể nhận biết mưa đá dựa vào một vài đặc điểm như: ban ngày có giông mạnh, mây đen kịt trên bầu trời; ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột… Do đó, khi thấy một trong các biểu hiện này, người dân cần nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn.


H.D

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN