Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động tổ chức sáng 11/10, tại Hà Nội. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị lấy ý kiến nội dung Tổng kết 5 năm cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngày 8/10. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Đánh giá của ban chỉ đạo cuộc vận động cho thấy các cấp ủy Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc Thông báo Kết luận 264-TB/TW của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động ở địa phương, đơn vị; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên đối với việc tổ chức thực hiện cuộc vận động; gắn thực hiện cuộc vận động với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động, ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hoá thương hiệu Việt.
Việc thực hiện trách nhiệm quản lý, điều hành của các cấp chính quyền đã có nhiều chuyển biến tích cực, gắn thực hiện cuộc vận động với việc thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan; quan tâm rà soát, bổ sung, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; đầu tư xây dựng hệ thống phân phối bán lẻ; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam; tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế.
Các doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng thực hiện cuộc vận động; chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học- công nghệ, đổi mới công tác quản lý, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; tổ chức thông tin, quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng; phát triển hệ thống phân phối, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.
Sau 5 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng Việt Nam đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay.
Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Số liệu nghiên cứu của công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011 cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh và 83% người tiêu dùng tại Hà Nội chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào tháng 7/2014 cho thấy, có 92% người tiêu dùng được hỏi “Rất quan tâm” và “Quan tâm” đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 63% số người tiêu dùng "Tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (tăng 4% so với năm 2010 ); 54% người tiêu dùng "Khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam" (tăng 16% so cuộc điều tra dư luận xã hội vào tháng 11 năm 2010).
Theo báo cáo của ban chỉ đạo cuộc vận động các tỉnh, thành phố, hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giầy có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng...
Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong thực hiện cuộc vận động thời gian qua. Đó là nhiều nơi có biểu hiện giao khoán cho ban chỉ đạo cuộc vận động; trong thực hiện cuộc vận động còn hình thức, đối phó, biện pháp còn chung chung, thiếu cụ thể. Một số cơ chế, chính sách chưa thật thông thoáng, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên thị trường. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh (không trái với qui định của Tổ chức Thương mại Thế giới) hiệu quả chưa cao và chậm đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, một số bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương chưa chú ý ban hành các cơ chế, chính sách, kế hoạch dài hạn, thiếu sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan, đơn vị thực hiện cuộc vận động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường còn nhiều, việc quản lý, kiểm soát chưa chặt chẽ; nhiều doanh nghiệp phải tự đấu tranh với hàng giả, hàng nhái để bảo vệ thương hiệu, uy tín sản phẩm của mình, trong khi các cơ quan, các cấp chính quyền chưa làm tốt chức năng quản lý nhà nước.
Việc quản lý thị trường hàng hóa nhập khẩu chưa chặt chẽ khiến nhiều hàng hóa nhập khẩu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây thiệt hại quyền lợi của người tiêu dùng và gây khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nước. Nhiều doanh nghiệp chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện cuộc vận động; không ít doanh nghiệp vẫn còn tư tưởng “bao cấp”, chạy theo cơ chế “xin – cho”, chưa chú trọng đầu tư, nâng cao hàm lượng khoa học- công nghệ, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; chưa thực hiện đầy đủ cam kết về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng.
Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực cũng như giữa các lĩnh vực sản xuất và nhà phân phối chưa chặt chẽ, thống nhất. Một số cán bộ lãnh đạo, đảng viên chưa đề cao vai trò gương mẫu trong ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt cũng như vận động người thân trong gia đình mua sắm, sử dụng hàng Việt để làm gương cho quần chúng noi theo. Tâm lý sính dùng hàng ngoại còn tồn tại ở một bộ phận người dân, nhất là những người có thu nhập cao, thích thời trang, hàng hiệu.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ 4 kết quả đạt được quan trọng sau 5 năm thực hiện cuộc vận động. Đó là điều chỉnh nhận thức của người dân, không phải cứ hàng ngoại là tốt, cứ hàng nội là chất lượng kém; người tiêu dùng mua hàng Việt đồng nghĩa với người sản xuất có việc làm và tăng thu nhập; quan hệ liên kết hợp tác để phát triển sản xuất hàng hóa, tạo thành chuỗi cung cấp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng; cơ chế triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động ở cấp quốc gia.
Nhấn mạnh mục tiêu của cuộc vận động là đến năm 2020, tất cả các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị xã hội xây dựng được kênh truyền thông “Tự hào hàng Việt”; hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn, 100% tỉnh, thành phố xây dựng được kênh bán hàng Việt Nam cố định, bền vững, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, mặt trận và các tổ chức đoàn thể cần tích cực chỉ đạo và triển khai cuộc vận động.
Ban chỉ đạo cuộc vận động phối hợp với các bộ, ngành tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức rõ việc mua hàng Việt Nam là làm tăng thu nhập cho người Việt Nam, nên ưu tiên dùng hàng Việt Nam tốt. Công tác truyền thông phải định hướng cho người dân trong lựa chọn sản phẩm; truyền thông với cường độ cao, phổ rộng, sát với từng giới, từng đối tượng người tiêu dùng và liên tục.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể, tuyên dương, khen thưởng các điển hình tốt, tạo sự thừa nhận của xã hội. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hội, hiệp hội đề xuất các tiêu chí bình chọn hàng được người tiêu dùng quan tâm, tin tưởng.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai cuộc vận động giai đoạn 2014 – 2015 và 2016 sát với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học- công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Tại hội nghị, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động đã tặng bằng khen cho 70 tập thể và 39 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai cuộc vận động.
Chu Thanh Vân