Chiều 16/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ngớt mưa nhưng nhiều vùng vẫn chìm trong lũ dữ. Hàng chục ngàn ngôi nhà ngập sâu trong nước, nhiều vùng bị cô lập hoàn toàn. Theo thông tin sơ bộ đến chiều 16/11, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có 3 người chết và hàng chục người bị thương.Mưa lũ làm ngập nhà dân ở Quảng Ngãi. Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN
|
Những nạn nhân chết do lũ được ghi nhận là anh Nguyễn Thành Dũng (29 tuổi trú tại làng Tu Nứt, thôn 5, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My); bà Ngô Thị Chí 70 tuổi (ở thôn Dùi Chiêng 1, xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn) và em Lê Ngọc Triều (17 tuổi, thường trú tại thôn Ô Gia Nam, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc).
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Nam Trà My, mưa lũ trong 2 ngày qua đã gây ra hơn 100 điểm sạt lở trên các trục đường giao thông, trong đó có hơn 20 điểm sạt lở với khối lượng lớn. Đã có khoảng 30.000 m3 đất, đá sạt lở xuống các trục đường giao thông và gây ách tắc hoàn toàn. Các tuyến đường từ trung tâm huyện về xã Trà Vân, Trà Vinh, Trà Leng, Trà Cang, Trà Nam và Trà Linh bị sạt lở nhiều điểm.
Để chủ động đối phó với mưa lụt, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành linh hoạt sơ tán người dân đến những vùng cao. Đến chiều 16/11, toàn tỉnh đã sơ tán hàng ngàn hộ dân với hàng chục ngàn nhân khẩu, trong đó, riêng huyện Đại Lộc phải di dời 3.750 hộ với 11.988 nhân khẩu. Huyện đã chuẩn bị 1.000 thùng mỳ tôm, 30 tấn gạo để sẵn sàng ứng cứu cho nhân dân vùng lũ.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, nhiều công trình thủy điện đồng loạt xả lũ cùng với mưa lớn kéo dài đã khiến vùng hạ lưu các con sông lớn như Vu Gia, Thu Bồn bị ngập sâu trong nước. Vùng rốn lũ Đại Lộc có 34.000 ngôi nhà, chiếm trên 85% tổng số hộ trong huyện bị ngập từ 0,2-3 mét. Trên tuyến quốc lộ 1A qua tỉnh Quảng Nam, nước lũ đã tràn qua mặt đường tại nhiều điểm như: thành phố Tam Kỳ, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành. Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Nam đã cử cán bộ túc trực để hướng dẫn giao thông, phòng ngừa tai nạn.
Trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Quảng Nam , nhiều địa điểm bị đất đá sạt lở tràn xuống lòng đường. Tuyến QL 14 E cũng bị sạt lở nghiêm trọng ở nhiều địa điểm với khối lượng đất đá hàng trăm mét khối. Nhiều đoạn bị nước mưa tràn qua đường, khiến các phương tiện giao thông gặp nhiều khó khăn. Ngay trong đêm 15/11 Khu Quản lý đường bộ 5 đã huy động nhiều phương tiện cơ giới và nhân công tập trung xử lý sự cố sạt lở trên đường Hồ Chí Minh. Đến sáng 16/11 tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã được thông tuyến.
Các lực lượng vũ trang gồm Bộ Chỉ huy quân sự, Công an, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và lực lượng vũ trang tại các huyện, thành phố trong tỉnh Quảng Nam đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ về các địa phương để tham gia công tác giúp đỡ nhân dân, trước mắt là di chuyển người dân từ những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, tiếp tế lương thực, nước uống cho nhân dân. Để chủ động khắc phục tình trạng sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt, Hạt Quản lý đường bộ các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn, ngành giao thông vận tải Quảng Nam và các đơn vị thi công đã bố trí đầy đủ phương tiện gồm xe đào, máy ủi, máy xúc và huy động công nhân đến hiện trường tiến hành san ủi lượng đất đá sạt lở, khơi thống cống và gia cố những đoạn có nguy cơ sạt lở cao.
* Tại Đà Nẵng do mưa lớn kéo dài từ đêm 15 và cả ngày 16/11, có khoảng 10.000 hộ dân với hơn 40.000 nhân khẩu của 7 xã thuộc huyện Hòa Vang bị ảnh hưởng. Có nơi nước tràn vào nhà gây ngập sâu 1-2m. Tại thôn 1 (xã Hòa Ninh, Hòa Vang), đoạn đường dài khoảng 200m đã bị mưa lũ làm sạt lở. Xã Hoà Tiến có hơn 3.000 hộ của 7 thôn bị ngập nặng. UBND huyện đã có thông báo cấm phương tiện và người dân qua lại để tránh nguy hiểm. Đến 16 giờ ngày 16/11, hơn 2.000 hộ tại các xã bị ngập sâu như Hoà Tiến, Hoà Châu, Hoà Phước, Hoà Khương, Hoà Phong được di chuyển đến nơi toàn.
Theo nhận định của các ngành chức năng, nếu mưa lớn kéo dài và Thủy điện Đăk Mi còn xả lũ thì nguy cơ lũ lên rất nhanh và có khả năng cao hơn mực lũ lịch sử năm 1999. Ngày 16/11, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có Công điện số 10198/CĐ – UBND yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn thành phố cần theo dõi chặt chẽ diễn biễn lũ, thông báo kịp thời tình hình lũ cho các địa phương, đơn vị để chủ động đối phó. UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án chống lũ theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất…Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an…điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị khẩn trương hỗ trợ các địa phương tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm của lũ. Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng và các địa phương quản lý các hồ chứa theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước tại các hồ chứa; vận hành theo đúng quy trình đã được phê duyệt… Điện lực Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ để cắt điện kịp thời ở những vùng bị ngập sâu. Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét tình hình thực tế cho học sinh tại các địa phương bị ngập lũ nghiêm trọng nghỉ học… UBND thành phố đề nghị Quân khu 5, Vùng 3 Hải quân và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ và khắc phục hậu quả sau lũ...
* Trong 2 ngày 15 và 16/11, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có mưa to khiến 11/11 huyện, thị xã và thành phố Quy Nhơn ngập lụt nghiêm trọng. Đặc biệt đêm 15, rạng sáng 16/11 lũ lên nhanh đã gây ra thiệt hại nặng về người và vật chất.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đến cuối giờ chiều ngày 16/11 toàn tỉnh đã có 12 người chết, 2 người mất tích và 1 người bị thương. 6 nhà bị sập, 84 nhà bị hư hỏng nặng, 98.094 nhà bị ngập nước; 154 phòng học bị hư hại nặng. 95ha lúa của tỉnh bị mất trắng, 707 tấn lúa giống bị ướt; 212 ha keo lai bị hư hỏng; 330 ha rau màu bị hư hỏng…Quốc lộ 1A đoạn đi qua thị xã An Nhơn bị ngập sâu 1,2m đến 1,4m. Tuyến đường nối Quốc lộ 1A đến sân bay Phù Cát bị tắc đường do ngập nước. Quốc lộ 1D ngập sâu 0,5m tại ngã ba Long Vân, hồ Phú Hòa. Quốc lộ 19 bị ách tắc giao thông từ thành phố Quy Nhơn đi huyện Tây Sơn và tỉnh Gia Lai bị ách tắc nhiều đoạn.
Kho lúa giống của Trung tâm giống cây trồng bị ngập hỏng 200 tấn lúa lai, 300 tấn lúa thuần. Các khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hoà, các cụm công nhiệp địa phương bị ngập sâu làm hư hỏng, thiệt hại về máy móc, nhà xưởng, kho chứa hàng hóa, vật tư, nguyên liệu. Nước lũ vẫn chia cắt, cô lập nhiều vùng dân cư; gia súc chết rất nhiều chưa thể thống kê được thiệt hại. Để giúp tỉnh sớm khắc phục hậu quả lũ lụt, tỉnh Bình Định kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh cứu trợ nhân dân vùng thiên tai lương thực, thuốc chữa bệnh, vệ sinh môi trường;khôi phục đường giao thông, nước sạch, điện…
* Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa to kéo dài cùng với việc thủy điện, hồ thủy lợi xả lũ, lũ lớn đã xảy ra trên diện rộng tại các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai. Tỉnh đã có hai người chết do lũ (hiện mới tìm thấy một thi thể) ở huyện Kbang. Thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, gia súc, gia cầm ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng. Thị xã An Khê là địa phương thiệt hại nặng nhất. Theo thống kê của UBND thị xã, tổng thiệt hại do mưa lũ ước tỉnh khoảng trên 4 tỷ đồng. Lũ lớn đã làm ngập 142 nhà dân; làm ngập và thiệt hại 12,6 ha lúa mới sạ, 5ha mía, mỳ, 32ha rau xanh, 22 tấn lương thực, thực phẩm bị ướt; hơn 900 gia con súc gia cầm bị cuốn trôi, khoảng 5 tấn cá các loại bị cuốn trôi. Lũ lớn cũng đã gây thiệt hại lớn cho các công trình giao thông và các công trình xây dựng như 1 cầu ván tạm (cầu Ri, tổ dân phố 3, phường An Bình) bị sập và cuốn trôi, công trình Đập Đất Khách xã Song An bị vỡ thân, 4 công trình đập bị cuốn trôi trên 700m 3 đất, trạm bơm điện (xã Thành An) và trạm bơm cấp 1-Nhà máy nước An Khê bị ngập…
Tại huyện Kbang đã có hai giáo viên của Trường tiểu học Kông Lơng Khơng và Trường mẫu giáo Kông Lơng Khơng bị lũ cuốn trôi. Hiện mới tìm thấy thi thể một người. Lũ làm ngập nhà dân, gây sạt lở phần móng của 3 nhà dân, cuốn trôi một máy hút cát. Các tuyến đường ở Đông Trường Sơn từ trung tâm huyện về các xã cũng bị hư hỏng nghiêm trọng; 1 cầu dân sinh vào làng Vir, xã Krong bị nước cuốn trôi. Sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại nặng nề với hơn 17,5 ha lúa nước mới gieo xạ vụ Đông Xuân 2013- 2014 bị ngập; khoảng 1,5 ha cây hoa màu (ớt, rau, khổ qua) và 5 con gia súc bị cuốn trôi...
Tại huyện Ia Pa, Ayun Pa và Kông Chro vẫn chưa thể thống kê được thiệt hại cụ thể nhưng lũ lớn và lên nhanh cũng đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà, hàng trăm người phải sơ tán đi nơi khác, hàng chục hecta hoa màu, hàng trăm con gia súc, gia cầm của người dân bị cuốn trôi. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng bị hư hỏng nặng…
Nhóm phóng viên TTXVN