Từ ngày 4-6/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 130-300mm. Tại huyện Thường Xuân có 3 người đã bị lũ cuốn mất tích, tổng thiệt hại về tài sản ước tính trên 3 tỷ đồng.
Mưa lớn cũng làm nhiều tuyến đường giao thông liên xã tại huyện Thường Xuân bị chia cắt, tuyến đường từ xã Xuân Cẩm đi Nam Xuân bị sạt lở gây ách tắc.
Nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng cục bộ. Hệ thống cầu đường, bai đập trên địa bàn bị ảnh hưởng. Huyện Lang Chánh có gần 500 hộ chủ yếu ở lưu vực sông Âm bị úng ngập, nhiều nhà tranh tre bị nước lũ cuốn trôi.
Nhiều ngôi nhà ở ven sông Lam ngập đến gần nóc. Ảnh: VnExpress.net
|
Trường Mầm non và Tiểu học xã Tam Văn và một số trường thuộc khu lẻ của các xã Tân Phúc, Quang Hiến, Giao An bị ngập học sinh không thể đến trường.
Hơn 650 ha lúa vụ mùa và hoa màu bị ngập úng, nhiều gia súc gia cầm và vật dụng của người dân bị cuốn trôi... Hiện tại các địa phương đang tập trung mọi nguồn lực nhằm khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Thanh Hóa, đến ngày 6/9, diện tích lúa hè thu đã trổ 112.589ha/134.127ha. Phần lớn diện tích lúa đang trong giai đoạn chắc xanh, một số huyện lúa đã chín đỏ đuôi và chuẩn bị thu hoạch.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, khó lường, ngành Nông nghiệp Thanh Hóa đang hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tranh thủ thời tiết thuận lợi, triển khai thu hoạch nhanh diện tích lúa vụ Thu mùa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", tháo nước triệt để ở diện tích lúa trong giai đoạn chắc xanh để tránh thiệt hại do mưa, lũ cuối vụ gây ra.
Từ ngày 28/8 đến 2/9, hiện tượng mưa kéo dài cũng diễn ra kèm theo lốc xoáy cục bộ đã làm 1 số xã thuộc huyện Quan Hóa bị sạt lở, 66 nhà cửa bị tốc mái, hơn 40 ha lúa, ngô, sắn và 2,1 tấn cá bị cuốn trôi, 30 ha luồng bị thiệt hại.... Tổng thiệt hại về sản xuất ước tính hơn 3,3 tỷ đồng.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, từ nay đến hết ngày 8/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá còn có mưa to đến rất to. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hoá cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các ngành liên quan và các địa phương tập trung thực hiện tốt công tác phòng chống lũ lụt. Cử cán bộ đi kiểm tra thường xuyên về tình hình mưa lũ tại địa bàn phụ trách. Tập trung mở cống, bơm tiêu úng những nơi ngập cục bộ và cho các diện tích lúa màu có nguy cơ bị ngập úng do mưa lớn kéo dài.. Tổ chức trực ban nghiêm túc đề phòng sự cố do mưa lũ gây ra.
Một số huyện đồng bằng ven biển và miền núi trung du phải chú trọng công tác đảm bảo an toàn các hồ đập trên địa bàn và tránh tình trạng sạt lở đất. Đặc biệt những hồ đập nhỏ thuộc sự quản lí của các huyện, xã phải thực hiện nghiêm túc việc tuần tra theo dõi giám sát để nếu có tình huống xấu xảy ra có thể bố trí lực lượng xử lí kịp thời.
Hoa Mai