Tổng Bí thư Tô Lâm dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Tối 12/11, chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tới dự và chung vui với nhân dân liên địa bàn dân cư phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước nói chung và xây dựng Thủ đô hòa bình, văn hiến, văn minh, hiện đại nói riêng.
Tổng Bí thư cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị ban hành quy định và quyết định về kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó đã bổ sung nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo về phòng, chống lãng phí. Tổng Bí thư yêu cầu, các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội cần phải tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống lãng phí ở địa phương. Mỗi người dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời tích cực tham gia giảm sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kịp thời phát hiện, phản ánh với các cơ quan chức năng về các hành vi gây lãng phí để xử lý.
Cũng nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại một số địa phương. Sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân các dân tộc khu dân cư khu 8, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Ngày 14/11, các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng dự Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại Thái Bình và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại Hưng Yên.
Trước đó, ngày 13/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân khu dân cư ấp Tân Bắc (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).
Chủ tịch nước thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Chủ tịch nước Lương Cường dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima, Peru từ ngày 12 - 16/11/2024.
Tổng thống Dina Boluarte và Chủ tịch nước Lương Cường đã bày tỏ hài lòng về mức độ phát triển cao đạt được của quan hệ song phương và tái khẳng định ý chí củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ này vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Hai bên nhấn mạnh tiềm năng thương mại song phương, nổi bật trong năm 2023, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Peru ở Đông Nam Á và thứ năm ở châu Á, và tương tự, Peru đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ sáu của Việt Nam và điểm đến đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ Latinh.
Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của việc thúc đẩy và củng cố hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên như một cơ chế tăng cường quan hệ song phương, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, khai khoáng, dầu khí, du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức, Tổng thống Dina Boluarte đã trao tặng Chủ tịch nước Lương Cường Huân chương "Mặt trời Peru" như một biểu hiện về mức độ tốt đẹp đạt được trong quan hệ giữa hai nước.
Trong chương trình tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2024, trưa 14/11, Chủ tịch nước Lương Cường dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC – CEO Summit.
Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Trong 2 ngày 11-12/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp giải trình trước Quốc hội, làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu và cử tri cả nước quan tâm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời các câu hỏi liên quan đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID -19 và thiên tai.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời các vấn đề liên quan đến thuốc chữa bệnh, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành y tế; thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm; công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích...
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời các câu hỏi liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội; vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông…
Trong phần trả lời chất vấn, Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt những kết quả quan trọng để tháo gỡ các rào cản, tạo môi trường, động lực mới phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng, việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp. Chính phủ đang đề xuất một luật sửa nhiều luật, tập trung tháo gỡ một số vướng mắc và sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện phân bổ nguồn lực đi đôi với phân cấp phân quyền theo hướng "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Đề cập đến các giải pháp của Chính phủ trong việc xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, Thủ tướng cho biết, hiện còn 12 dự án tồn đọng kéo dài thuộc các các bộ, ngành, địa phương đã được Bộ Chính trị cho chủ trương giải quyết. Chính phủ đang rà soát lại và xử lý theo hướng tôn trọng hiện trạng.
Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên tại Quảng Ninh, Đắk Lắk
Ngày 15/11/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy: Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện Gói thầu xây lắp số 13, Dự án Đường ven sông do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Công ty Thuận An) thực hiện. Vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020 - 2025 gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện Gói thầu xây lắp số 3, Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột do Công ty Thuận An thực hiện và một số dự án điện mặt trời. Vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015 - 2020 gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm của các tổ chức đảng và đảng viên nêu trên, theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh và Bùi Văn Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk. Đề nghị các cơ quan chức năng thi hành kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng.
Khởi tố và bắt tạm giam ca sĩ Chi Dân, người mẫu An Tây và ‘cô tiên’ từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương
Ngày 14/11, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ca sĩ Chi Dân (tên thật là Nguyễn Trung Hiếu, 35 tuổi), người mẫu An Tây (tên thật là Nguyễn Thị An, 29 tuổi) và “cô tiên” từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương (30 tuổi) để điều tra về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Đây là kết quả của quá trình mở rộng điều tra chuyên án VN10 vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không từ Pháp về Việt Nam.
Theo Công an TP Hồ Chí Minh, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Thủ tướng Chính phủ trong thư khen ngày 26/4/2024, yêu cầu tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, điều tra mở rộng và truy xét toàn bộ đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ Pháp về Việt Nam được phá vào ngày 16/3/2023, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp tục đấu tranh, mở rộng chuyên án.