Tại tỉnh Vĩnh Phúc, lốc xoáy xảy ra chiều tối 10/6 trên địa bàn huyện Bình Xuyên đã làm 3 người chết, 18 người bị thương (do sập xưởng gỗ rộng hơn 2.000 m2 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kiều Thi Junma tại xã Trung Mỹ).
Mưa lớn kèm dông, lốc xảy ra vào chiều 10/6 trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã làm một người bị thương, một nhà sập, 21 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 63 cây xanh bị gãy đổ.
Tại tỉnh Thái Nguyên, mưa to kèm dông, lốc xảy ra đêm 9/6 trên địa bàn thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình làm 93 nhà ở, một nhà văn hóa bị tốc mái, hư hỏng; 71 cây trồng lâu năm gãy đổ. Ước thiệt hại khoảng 3,73 tỷ đồng.
Mưa dông kèm lốc xoáy xảy ra chiều 9/6 trên địa bàn huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình đã làm hư hỏng 21 căn nhà. Ước tính thiệt hại 300 triệu đồng.
Tại tỉnh Phú Yên, mưa dông, kèm lốc xoáy xảy ra chiều 9/6 đã làm 80 nhà tốc mái, 2 trụ điện trung thế gãy đổ. Ước thiệt hại 435 triệu đồng.
Trước tình hình trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo nắng nóng, mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất đến các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ để triển khai ứng phó.
Ngày 10/6, đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài làm Trưởng đoàn, đã đi kiểm tra công tác ứng phó trước mùa mưa lũ năm 2020 tại tỉnh Hà Tĩnh. Cùng ngày, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng làm Trưởng đoàn, đã đi kiểm tra thực địa về tình hình đẩm bảo an toàn hồ chứa tại Hồ Dầu Tiếng và công tác phòng chống thiên tai của tỉnh Tây Ninh.
Đối với sự cố đập tại Nghệ An, Đập dâng Bara Đô Lương trên địa bàn hai xã Tràng Sơn và Đặng Sơn, huyện Đô Lương bị sự cố sáng 7/6. Dự kiến, ngày 11/6, công tác khắc phục, sửa chữa sẽ hoàn thành.
Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ theo dõi chặt chẽ tình hình nắng nóng, mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, thông tin kịp thời đến người dân và cộng đồng để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó phù hợp.
Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão, để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin, đôn đốc triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.