Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể điểm lại một số dấu mốc quan trọng nhất trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)?
Tháng 10/2010, EVFTA được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý khởi động đàm phán và đến tháng 6/2012 thì hai bên chính thức khởi động đàm phán.
Trải qua nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, phiên họp cấp Trưởng đoàn đàm phán và các phiên họp cấp kỹ thuật chính thức và không chính thức với rất nhiều nỗ lực, vào tháng 12/2015, hai bên đã kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Tuy nhiên, vào tháng 9/2017, EU đã đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:
- Hiệp định Thương mại tự do là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
- Hiệp định Bảo hộ đầu tư bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư (IPA). Hiệp định IPA phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.
Tháng 6/2018, Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) cũng như kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA đồng thời thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
Ngày 25/6/2019, Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định.
Xin Bộ trưởng đánh giá về những ý nghĩa nổi bật của việc EVFTA được ký kết?
Với kết quả đàm phán đã đạt được, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn.
Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết.
Do vậy, khi đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Với quy mô và tiềm năng của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn thu hút mạnh đầu tư của EU và là điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại - đầu tư của EU tại khu vực ASEAN. Tác động này sẽ được cộng hưởng mạnh mẽ khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thực hiện cũng như với việc ta đã và đang thực hiện các Hiệp định FTA quan trọng như FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu, với Hàn Quốc, hay Hiệp định CPTPP.
Đâu sẽ là những thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam sau khi EVFTA được ký kết, thưa Bộ trưởng?
Bên cạnh những lợi ích, cũng như các FTA khác, Hiệp định này cũng có thể tạo ra một số thách thức nhất định đối với nền kinh tế Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam cũng sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.
Thứ hai, Hiệp định EVFTA cũng bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, phát triển bền vững... Thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi phải cải cách hệ thống pháp lý trong nước. Tuy nhiên, về cơ bản, việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng mà Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai.
Sau khi Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA được ký kết vào ngày 30/6 tại Hà Nội, 2 Hiệp định này sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu.
Trong đó, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức hoàn tất và có hiệu lực ngay sau khi được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Riêng Hiệp định IPA cần sự phê chuẩn của các nước thành viên EU và tuân thủ theo các tiến trình nội bộ của từng nước trong khối này.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!