Hoan nghênh Giáo sư Carlos Alberto Torres sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, coi đây là một trong ba đột phá chiến lược. Phát triển nguồn nhân lực được coi là một biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, là cơ sở quan trọng để hội nhập quốc tế thành công. Do vậy, chăm lo, phát triển năng lực con người thông qua giáo dục và đào tạo là ưu tiên trong chính sách phát triển của Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Giáo sư Carlos Alberto Torres. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ, Việt Nam đang thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; cùng với đó, nâng cao nhận thức của người dân về nhiều vấn đề liên quan đến quyền con người, bình đẳng giới, văn hóa, biến đổi khí hậu...
Chủ tịch nước cho rằng, việc nâng cao nhận thức và phát triển năng lực của mỗi cá nhân trong xã hội, nhất là trong giới trí thức, sẽ góp phần tạo thành sức mạnh tổng hợp quốc gia trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Đánh giá cao Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tin tưởng Chương trình sẽ được triển khai thành công trên cơ sở nhận thức chung về phát triển bền vững của tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Năm nay, Việt Nam giới thiệu ứng cử viên vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017 - 2021, thể hiện sự quan tâm, coi trọng tổ chức UNESCO nói riêng, sự phát triển về giáo dục nói chung. Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn ứng cử viên của Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ từ bạn bè quốc tế.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Giáo sư Carlos Alberto Torres tiếp tục hợp tác và là cầu nối giữa Việt Nam với UNESCO nói chung và Hoa Kỳ nói riêng trong việc phát triển, nâng cao năng lực con người, nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững và giải quyết các vấn đề toàn cầu. Cùng với đó là việc tạo ra mạng lưới liên kết, trao đổi giữa các trường đại học của Việt Nam với các đại học, viện nghiên cứu quốc tế về hợp tác giáo dục, phát triển năng lực con người.
Chủ tịch nước đề nghị Giáo sư Carlos Alberto Torres nghiên cứu triển khai Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO tại Việt Nam, kết hợp với giao lưu, trao đổi kiến thức để mang tinh hoa văn hóa của Việt Nam giới thiệu ra thế giới.
Về phần mình, Giáo sư Carlos Alberto Torres cho biết, một trong những mục tiêu của chuyến thăm là nghiên cứu khả năng đưa Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO đến Việt Nam. Hiện nay, Chương trình đã xây dựng mạng lưới giáo dục công dân toàn cầu. Một trong những mục tiêu của chương trình là đến năm 2019, Việt Nam có 5 triệu người dân đạt chuẩn công dân toàn cầu.
Giáo sư Carlos Alberto Torres mong muốn nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, sự hợp tác, hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan đối với các dự án của Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO tại Việt Nam.
Giáo sư đề nghị Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài viết cho mạng lưới công dân toàn cầu, nhấn mạnh về tầm nhìn, tương lai của giáo dục Việt Nam, quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề hòa bình cho toàn nhân loại.
Cũng nhân dịp này, Giáo sư Carlos Alberto Torres khẳng định cam kết ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017 - 2021.