Trước đó, các công ty của Việt Nam từng tham gia vào hoạt động xử lý dioxin ở cả hai dự án tại sân bay Đà Nẵng và khu vực sân bay Biên Hòa, nhưng chỉ là các nhà thầu phụ của các công ty Mỹ.
Theo hợp đồng, một số khu vực trong và ngoài sân bay có nồng độ ô nhiễm dioxin cao sẽ được xử lý, bao gồm cả những khu vực có mật độ đi lại nhiều, gây ra rủi ro phơi nhiễm cao. Nhà thầu của Việt Nam cũng sẽ tiến hành xây dựng cơ sở vật chất bãi lưu chứa dài hạn cho đất đã đào xúc, cũng như thi công đường ra vào và rào chắn.
Theo USAID, quyết định trên sẽ giúp “hỗ trợ nâng cao năng lực cho nhà thầu xây dựng của Việt Nam để thực hiện kỹ thuật xử lý môi trường hiện đại, thúc đẩy hành trình tiến tới tự lực của quốc gia”.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã cùng với các cơ quan liên quan tổ chức lễ công bố kết quả bước đầu của dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. Cụ thể, năm 2020, 1.134 mét khối bùn đất nhiễm dioxin đã được loại bỏ khỏi khu vực hồ nằm trong công viên công cộng của thành phố Biên Hòa.
Theo Đại sứ quán Mỹ, sau khi hoàn thành việc trồng lại cỏ và cây xanh trong công viên, USAID và Quân chủng Phòng không Không quân sẽ bàn giao lại mặt bằng cho chính quyền thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai. Đại sứ quán nhấn mạnh kết quả trên “là dấu mốc đầu tiên đạt được thông qua cam kết đóng góp 300 triệu USD của Chính phủ Mỹ cho dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và các khu vực xung quanh với thời gian thực hiện là 10 năm”.
Cũng tại sự kiện, USAID và Quân chủng Phòng không Không quân của Việt Nam đã ký thỏa thuận về bàn giao thêm mặt bằng để tập trung hoạt động xử lý ô nhiễm trong sân bay trong 2 năm tới.
Phía Mỹ cũng cho biết thêm rằng Chính phủ Mỹ, thông qua USAID, và và các đối tác thuộc Chính phủ Việt Nam, trong đó có Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET), cũng đã khởi động dự án hợp tác mới nhằm hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại 8 tỉnh ưu tiên. USAID đã cam kết cung cấp 65 triệu USD cho dự án này trong 5 năm tới nhằm “đảm bảo người khuyết tật có cơ hội hòa nhập xã hội toàn diện và chất lượng cuộc sống được cải thiện”.
Ngoài ra, Mỹ cũng ký ý định thư với Văn phòng Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh tại Việt Nam để “định hướng cho quan hệ hợp tác và phối hợp trong tương lai về các hoạt động truyền thông khắc phục hậu quả chiến tranh”.
Theo Hiệp hội Nạn nhân Chất Da cam Việt Nam (VAVA), ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin. Hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng vì phơi nhiễm loại hóa chất mà họ gọi là “độc chất đáng sợ”. Ngoài ra, VAVA cho rằng con cháu của nạn nhân “cũng đang phải vật lộn chống chọi với các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo”.