Năm 2012, không thu phí phương tiện cá nhân và phí vào trung tâm thành phố


Sáng 1/4, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 3/2012.
 
Chủ trì cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Kinh tế vĩ mô đang được kiểm soát ổn định, đi đúng hướng. Chính phủ chuyển từ thụ động ứng phó lạm phát sang chủ động điều hành theo lạm phát mục tiêu và sẽ có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.


 

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam tại buổi họp báo. Ảnh: Phong Anh


Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, GDP quý I/2012 ước tăng 4%, đây là mức tăng thấp trong khoảng 10 năm qua (chỉ có năm 1999 mức tăng GDP là 3,4%). Mức tăng này thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 6% cả năm nên sẽ đặt ra nhiều thách thức trong những tháng còn lại. Tuy nhiên từ tháng 3 trở lại đây, đã có những tín hiệu tốt về phát triển công nghiệp chế biến và phát triển thương mại, dịch vụ. Trong thời gian tới, điều hành vĩ mô quan trọng nhất là duy trì tăng trưởng hợp lý để kiềm chế lạm pháp ở mức một con số và duy trì mục tiêu tăng trưởng 6% năm 2012. Để làm được việc này cần gắn với các giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất. Trên thực tế, hiện doanh nghiệp rất khó khăn, dù lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng việc tiếp cận vốn còn nhiều vướng mắc. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên họ cũng phải đảm bảo kinh doanh có hiệu quả. Chính vì vậy, dù lãi suất cho vay đã giảm và doanh nghiệp (DN) đã tiếp cận với ngân hàng nhưng khi DN trình bày phương án kinh doanh không hiệu quả cũng khó được ngân hàng chấp nhận.

Theo đánh giá của Bộ KHĐT, do tình hình kinh tế còn khó khăn nên trong quý I có 2.200 DN làm thủ tục giải thể và trên 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn và dừng thực hiện nghĩa vụ thuế. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: bên cạnh khó khăn chung của nền kinh tế, có một số doanh nghiệp “ảo”. Phần lớn DN trên là DN vừa và nhỏ, do đó không ảnh hưởng đến tình trạng việc làm của người lao động.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: trong quý I/2012, tình hình kinh tế phát triển ổn định, tuy tốc độ tăng trưởng đạt thấp nhưng công tác điều hành đang đi đúng hướng. Giá cả thị trường khá ổn định, chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 3 chỉ tăng 0,16% so với tháng 2/2012. So với tháng 12/2011, CPI tháng 3/2012 chỉ tăng khoảng 2,55%, là mức tăng thấp nhất so với nhiều năm qua. Xuất khẩu quý I/2012 tăng 23,6% so với cùng kỳ; trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 6,9% so với cùng kỳ. Nhập siêu trong quý I/2012 là 251 triệu USD, tương đương 1% kim ngạch xuất khẩu, là mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây.

Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục những khó khăn, tồn tại; chủ động bám sát tình hình, kịp thời đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp ứng phó kịp thời với tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tập; kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời cần chú trọng duy trì tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.

Chưa thu phí lưu hành phương tiện cá nhân trong năm nay

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2012, vấn đề được báo giới quan tâm đặt nhiều câu hỏi nhất là việc thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và thu phí vào trung tâm thành phố lớn.

Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng, cho biết: Nghị quyết số 21/2011/QH13 nêu rõ các ngành, các cấp trong việc đẩy lùi tình trạng tai nạn giao thông, nạn ùn tắc giao thông; xác định chỉ tiêu từ năm 2012 giảm số vụ tai nạn, số người chết do tai nạn giao thông từ 5-10% mỗi năm; giảm mức độ ùn tắc giao thông ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; lấy năm 2012 là năm thiết lập lại kỷ cương trong quản lý trật tự, an toàn giao thông. Từ căn cứ này, Bộ GTVT tiến hành lập đề án thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí lưu hành xe vào nội đô thành phố lớn giờ cao điểm. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh tế và các thủ tục pháp lý nên nếu được thông qua cũng chưa thể thực hiện ngay trong năm nay. Trong đề án cũng chưa đề xuất thời điểm thực hiện 2 loại phí này.

Bộ trưởng Bộ GTVT tại buổi họp báo. Ảnh: Phong Anh.


Theo ông Đinh La Thăng: Bộ GTVT đã hoàn tất việc soạn đề án và đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và ý kiến dư luận trước khi trình Thủ tướng xem xét quyết định. Nếu được Thủ tướng thông qua, đề án mới chính thức trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi quyết định cuối cùng có thực thi hay không. Đối tượng bị điều chỉnh của 2 loại phí này ước tính khoảng 600.000 xe ôtô và với xe máy chỉ thu phí tại 5 thành phố gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và chỉ thu phí khi phương tiện lưu hành trong nội đô. Người nghèo sẽ được miễn phí. Mức thu phí xe máy sẽ giao cho HĐND của các thành phố quyết định. Bộ GTVT dự kiến thu từ 12.000 đến 15.000 tỷ đồng từ việc thu phí và tiền được sử dụng cho đầu tư hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: hai loại phí này được làm theo tinh thần Nghị quyết 21/2011/QH13. Do hai loại phí này có tác động xã hội lớn nên trước khi triển khai, sẽ lấy ý kiến của người dân. Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan có ý kiến, phân tích kỹ nội dung, tác động tới người dân,

đến nền kinh tế, sao cho có luận cứ khoa học rõ ràng, sát thực tiễn để trình Chính phủ. Chính phủ sẽ quyết định xem xét có trình đề án này với UBTV Quốc hội, vì theo quy định của pháp luật, việc bổ sung các danh mục phí vào danh mục của UBTV Quốc hội phải được Chính phủ thông qua. Hiện đề án thu phí này mới dừng ở Bộ GTVT đề xuất và các bộ ngành xem xét có ý kiến, sau đó mới tổng hợp trình Thủ tưởng Chính phủ xem xét.

Xuân Cường



 

Đảm bảo cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát
Đảm bảo cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát

Thủ tướng cho rằng, trong quý I/2012 tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội hiện hữu khá rõ trong quý I/2012.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN