Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã dự hội nghị cùng Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; đại diện lãnh đạo nhiều Ban, Bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương.
Một năm nỗ lực vượt khó
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương công lao, đóng góp của ngành văn hóa, trong năm 2021 đã vượt qua rất nhiều khó khăn, giành được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện, có dấu ấn.
Phó Thủ tướng cho rằng kết quả đạt được của ngành văn hóa trong năm 2021 là rất toàn diện. Đây là năm đầu tiên của nhiệm kỳ nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt nhiều chiến lược, chương trình hành động, cho ta cái nhìn dài hơi, thống nhất về các lĩnh vực của toàn ngành. Năm 2021, sự phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các cơ quan, địa phương khác cũng rất nhịp nhàng, đồng bộ nhất là trong việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Triển lãm quốc tế EXPO Dubai 2020...
Sang năm 2022, theo Phó Thủ tướng, ngành cần nghiêm khắc nhìn lại những điểm còn tồn tại về cơ chế chính sách lâu dài để có hướng giải quyết phù hợp. Năm 2021 có 2 việc nổi cộm mà ngành cần điều chỉnh. Đó là vấn đề bản quyền liên quan đến Quốc ca, ngoài việc rà soát các quy định thì cần thực hiện thu âm nhiều bản phối khí khác nhau. Bên cạnh đó là việc liên quan đến bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Bộ và các địa phương phải có tiếng nói mạnh mẽ, nghiêm túc hơn bởi di tích văn hóa mà phá đi là không bao giờ có lại được...
Phó Thủ tướng cho rằng, việc vô cùng cần thiết phải tích cực thực hiện là số hóa trong ngành văn hóa với số lượng công việc khổng lồ trong từng lĩnh vực như di sản, bảo tàng, du lịch...Năm 2022, ngành phải đẩy mạnh số hóa, tạo được bước tiến mạnh mẽ bởi đây là việc không làm không được. Thế giới đã làm rất mạnh mẽ và thành công, cũng là kinh nghiệm quý cho Việt Nam triển khai...
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: Việc chuyển hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch năm qua còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất không đồng bộ, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, phân bổ nhỏ lẻ.
Với du lịch, Phó Thủ tướng đánh giá năm 2021 là năm “cùng cực” vô cùng khó khăn nhưng những người làm du lịch đã nỗ lực vượt lên. Năm 2022 chúng ta vẫn phải cảnh giác với dịch bệnh và nghĩ tới trường hợp xấu nhất là có thể biến chủng Omicron lây lan nhanh, có thể xuất hiện chủng mới nguy hiểm hơn. Tuy vậy, các thị trường khách chính của du lịch Việt Nam đều đã được bao phủ vaccine, nếu dịch nhẹ bớt thì chúng ta phải tiến hành làm du lịch khẩn trương nhưng phải rất chắc chắn, đừng để mở ra rồi lại phải đóng vào. Phải chuẩn bị rất kĩ, chắc chắn để mở ra vững vàng. Thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành du lịch tạm dừng hoạt động để đổi mới thì bây giờ là lúc cấp tập rà soát lại để chuẩn bị, đưa công nghệ vào du lịch để không chỉ là mở cửa đón khách đơn thuần mà còn là thay đổi cách thức quản lý du lịch bằng công nghệ.
Trong năm 2022, Việt Nam tổ chức SEA Games, các đơn vị chức năng cần tiếp tục chuẩn bị cho tốt, để tổ chức đại hội thể thao chu đáo, đàng hoàng, không theo kiểu mạnh gì cố tổ chức bằng được để lấy huy chương.
Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp chúng ta đã thấy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy, nhân lên mạnh mẽ; trong gian khổ thậm chí đau thương ta đã thấy rất nhiều cái đẹp. Vậy thì phải giữ gìn, phát huy được những điều tốt đẹp đó ngay cả khi dịch được đẩy lùi... Đây là việc rất khó nhưng không có nghĩa là không dám làm, phải làm từ bây giờ bằng những việc cụ thể, chi tiết, tỉ mỉ, sâu sắc làm quyết liệt, kiên trì làm đến cùng. Phó Thủ tướng mong rằng ngành văn hóa kế thừa kết quả, thành tựu của năm qua, nhiệm kỳ qua, để tạo ra bước tiến mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Đặt lên hàng đầu việc tập trung xây dựng hệ sinh thái văn hóa
Đề cập đến những nhiệm vụ của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2022. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định cần tiếp tục quán triệt những quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về vấn đề văn hóa, nhất là bài phát biểu của Tổng Bí thư đề cập đến việc nghiên cứu để xây dựng thiết chế văn hóa, bảo vệ di sản, di tích, xây dựng môi trường văn hóa và văn hóa gia đình. Vì vậy, toàn ngành phải đặt lên hàng đầu việc tập trung xây dựng hệ sinh thái, tạo môi trường văn hóa từ cơ sở, làm điểm rồi nhân rộng. Bởi mỗi địa bàn đều có đặc thù, dấu ấn, bản sắc riêng nên các địa phương cần có tiêu chí gia đình văn hóa, khu phố văn hóa phù hợp để có chỉ tiêu phấn đấu. Ngành tổng kết cách làm hay, tốt của các vùng miền, chú ý phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm cổ vũ tốt hơn việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp (tuân thủ và làm đúng quy định của pháp luật; trách nhiệm xã hội)... để hạn chế vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, thể hiện tác động của ngành văn hóa thông qua sức mạnh mềm.
Trong năm 2022 sẽ diễn ra SEA Games 31, đây không chỉ là sự kiện thể thao thuần túy mà là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, văn hóa với bạn bè quốc tế. Có 40 môn thi đấu diễn ra ở 12 địa điểm nên các địa phương cũng phải chủ động vào cuộc, tổ chức tốt các môn thể thao thành tích cao, phù hợp với Olympic chứ không phải chỉ là các môn Việt Nam có thế mạnh. Bên cạnh đó cần chú ý thể thao quần chúng để phát hiện, tạo nguồn nhân lực cho thể thao thành tích cao...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Du lịch không thể ngồi chờ đến khi không còn COVID-19 mà phải thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả; trên cơ sở sơ kết thí điểm đón khách quốc tế, ngành đề xuất Chính phủ lộ trình mở cửa lại thị trường đón khách quốc tế phù hợp khi độ bao phủ vaccine đầy đủ... Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã có độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 lớn thứ 6 trên thế giới. Đó cũng là cơ sở để ngành mạnh dạn tham mưu mở cửa du lịch, tất nhiên mở cửa là phải kiểm soát an toàn. Bên cạnh đó, ngành cần chú ý nhiều hơn đến du lịch nội địa, cùng các địa phương tạo ra sản phẩm mới, liên kết an toàn; triển khai sớm, nhanh chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch...
Năm 2022, du lịch nước ta phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch (khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách du lịch nội địa), bằng 150% so với năm 2021; tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Đồng thời, ngành xây dựng lộ trình tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2024 và các giai đoạn đến 2030- 2040; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh; từng bước mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến trong Chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, phù hợp với tình hình dịch COVID-19...
Năm 2021 là năm tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Năm 2021 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đời sống kinh tế-xã hội của cả nước đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức mới, gay gắt hơn năm 2020. Trong đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch bị tác động trực tiếp, toàn diện, chịu thiệt hại nặng nề trong tất cả các lĩnh vực, trên tất cả các lĩnh vực văn hóa - thể dục thể thao - du lịch.
Với tinh thần “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, toàn ngành đã nỗ lực, sáng tạo, điều hành linh hoạt, thích ứng nhanh chóng, kịp thời đề xuất và tổ chức thực hiện tốt nhiều chủ trương, chính sách mới, phù hợp với diễn biến dịch bệnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho năm 2021.