Tại Hội nghị, các đại biểu được giảng viên giới thiệu nhiều chuyên đề như: Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; khái quát về tình hình văn học hiện nay; công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay-Thực trạng yêu cầu phát triển...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật diễn ra rất sôi động, có nhiều kết quả và chuyển biến tích cực. Những khó khăn, trở ngại từng bước được tháo gỡ, tạo điều kiện cho văn học nghệ thuật Việt Nam phát triển, hòa nhập, vươn lên khu vực và thế giới. Hoạt động của các ban, bộ, ngành, địa phương có nhiều chuyển biến, chủ động, năng động, thiết thực và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, một số tỉnh, thành và lĩnh vực vẫn bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập ở các khía cạnh khác nhau của đời sống văn học nghệ thuật. Các đơn vị có sự chuyển biến nhưng chưa thật cơ bản về nhận thức, vị trí, vai trò trong đời sống của đất nước; chưa đồng bộ giữa các khâu sáng tác, phổ biến, lưu giữ, tiếp nhận tác phẩm văn học, nghệ thuật; chưa thu hút được một bộ phận văn nghệ sĩ có tài, cơ cấu còn bất hợp lý; phân bố không đồng đều, chưa phát huy vai trò tư vấn, phản biện xã hội, văn học, nghệ thuật…
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định, Hội nghị lần này nhằm nắm bắt đầy đủ, sâu sắc hơn thực tiễn đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật, tình hình lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay, thực trạng, yêu cầu đổi mới phù hợp trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, Hội nghị nhằm trao đổi kỹ năng và kinh nghiệm giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, nâng cao năng lực xử lý các vấn đề mới trong đời sống văn học nghệ thuật. Đây là những yêu cầu cơ bản cần thiết góp phần nâng cao trình độ, năng lực tham mưu, tư vấn quản lý công tác khoa học kỹ thuật của từng ngành, địa phương cũng như đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái trong văn học nghệ thuật, bảo vệ nền tảng đất nước.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn cho biết, hoạt động văn học nghệ thuật tại tỉnh được quan tâm đầu tư, có bước phát triền mới; không khí hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi. Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với văn học, nghệ thuật được đổi mới, tạo điều kiện để văn học, nghệ thuật phát triển. Hoạt động nghiên cứu, phát triển lý luận văn học, nghệ thuật đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đắk Lắk hiện có 235 văn, nghệ sỹ thuộc các lĩnh vực: văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, kiến trúc, sân khấu - điện ảnh. Phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng diễn ra sâu rộng, phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh...
Ông Phạm Minh Tấn nhấn mạnh, hội nghị tập huấn do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk không chỉ là hoạt động có ý nghĩa đối với nền văn học, nghệ thuật nước nhà mà còn là dịp để các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, những người làm công tác tuyên giáo, quản lý văn hóa, báo chí và đội ngũ văn, nghệ sỹ của cả nước được sẻ chia, trao đổi, học tập kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong thời gian tới. Qua đó, hội nghị góp phần tiếp tục xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần cho sự phát triển đất nước.
Hội nghị diễn ra đến ngày 11/8.