Theo báo cáo của Ban Dân vận Trung ương, thực hiện “Năm Dân vận khéo 2020”, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã cụ thể hóa ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các hoạt động gắn với quán triệt, tuyên truyền chủ trương của Đảng về công tác dân vận, đánh giá 5 năm thực hiện Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp”, tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng đẩy mạnh công tác dân vận góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp; tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Đại dịch COVID-19 cùng những tác động xấu của khí hậu, thiên tai… tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân nhưng với quyết tâm chính trị cao, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng, Việt Nam cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Điển hình, tăng trưởng GDP cả nước ước đạt 2,8% - mức đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được chú trọng thực hiện. Đến nay, 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã sắp xếp 18 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.025 đơn vị hành chính cấp xã. Các địa phương đã xây dựng đề án, kế hoạch sắp xếp gần 98.500 thôn, tổ dân phố; giảm .369 đơn vị so với năm 2015. Các địa phương thực hiện tinh giản biên chế với khoảng 58.000 người, riêng biên chế do Chính phủ quản lý, tính đến tháng 6/2020 đã giảm được khoảng 334.548 người, đạt 94% so với kế hoạch.
Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài. Năm 2002, cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp đã tiếp gần 260.000 lượt công dân với hơn 186.000 vụ việc, gần 2.700 đoàn đông người. Một số địa phương có số lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo giảm nhiều như Lâm Đồng (giảm 59%); Phú Yên (giảm 42%); Bà Rịa -Vũng Tàu (43%); Yên Bái (36%)… Một số tỉnh có số lượt tiếp công dân tăng như Quảng Trị (hơn 1.900 lượt, tăng 232%); Thừa Thiên - Huế (tăng 124%); Bắc Ninh (tăng 48%), Hà Nội (tăng gần 45%)…
Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức Đảng chú trọng nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao. Công tác phối hợp, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh.
Trong thời gian tới, công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận; qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu. Bên cạnh đó, công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng nâng cao chất lượng; nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước, thực hiện có hiệu quả chính sách, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính trực tiếp liên quan đến người dân, doanh nghiệp…
Kết luận Hội nghị, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam cho biết, năm 2020 chịu tác động mạnh mẽ của dịch bệnh, thiên tai bão lũ… tuy nhiên, cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp đã nỗ lực, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, nhận được sự ủng hộ của người dân trong triển khai các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. “Năm Dân vận khéo 2020” của Ban Dân vận Trung ương, phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ đã tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận; chủ động lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm với từng địa phương, đơn vị.
Công tác dân vận tiếp tục tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận hiệu lực, hiệu quả, tăng cường quản lý nhà nước. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được quan tâm đẩy mạnh, xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, có sức lan toả mạnh mẽ.
“Năm 2021, đất nước diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp… Đây là một trong những nội dung quan trọng, có liên quan đến sự tham gia của cử tri, người dân. Các kiến nghị, đề xuất của cử tri đòi hỏi cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp… nâng cao vai trò, trách nhiệm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân”, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương nêu rõ.
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp làm tốt nhiệm vụ chính trị được giao phó, huy động sức mạnh, sự đồng thuận của nhân dân, làm tốt công tác dân vận; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.