Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Đồng Nai Nông Văn Dũng, thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng, hầu hết doanh nghiệp trong tỉnh đã tăng lương cho người lao động theo quy định của Chính phủ (tăng lương tối thiểu vùng năm 2019) với mức cao nhất là 8,5%/người/tháng; giám sát bữa ăn giữa ca tại hàng trăm doanh nghiệp, ký kết gần 200 bản thỏa ước lao động tập thể; giải quyết thành công nhiều vụ tranh chấp lao động tại các doanh nghiệp.
Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, cho phép một số tỉnh được sử dụng nguồn tài chính công đoàn để xây dựng các trung tâm sinh hoạt phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; kiến nghị cơ quan Trung ương sửa Khoản 1, Điều 101 Luật Phá sản năm 2014 về thứ tự phân chia tài sản theo hướng đưa mục nợ lương của người lao động lên đầu. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi của công nhân, giữ vững an ninh trật tự khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn (còn nợ lương của người lao động).
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, các cấp công đoàn ở Đồng Nai đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo tốt cho công nhân. Thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh cần đề ra giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; nâng cao chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể; góp ý cho Bộ luật Lao động sửa đổi. Liên đoàn Lao động Đồng Nai cần tăng cường nắm tình hình, chú ý vấn đề quan hệ lao động tại doanh nghiệp, hạn chế tranh chấp lao động.
Với những kiến nghị của Liên đoàn Lao động Đồng Nai, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổng hợp, sau đó xem xét thấu đáo từng vấn đề để tháo gỡ vướng mắc.