Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ

Ngày 28/6, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm (2012-2016) thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ. Tham dự hội nghị có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh vùng Tây Nam Bộ.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TP Cần Thơ và Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ trì hội nghị.

Theo ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam, đề án đã có những giải pháp đồng bộ tạo “cú hích” giúp cho chất lượng tín dụng chính sách xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long có những chuyển biến tích cực sau 5 năm tổ chức thực hiện. Đến 31/12/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ đạt 27.8 tỷ đồng, với trên 2 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, tăng 10.918 tỷ đồng, tăng 64,5% so với cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2012 - 2016 của toàn khu vực là 10,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn quốc 1,8%. Chất lượng tín dụng trong vùng được cải thiện. Đến hết năm 2016, tổng nợ quá hạn của các tỉnh trong khu vực là 224.542 triệu đồng, chiếm 0,81% tổng dư nợ, giảm 410.224 triệu đồng (giảm 3,3%) so với thời điểm xây dựng đề án, tất cả 13 tỉnh, thành phố trong vùng đều giảm nợ quá hạn.


Điểm nổi bật trong giai đoạn 2012 - 2016 là hiệu quả việc tham mưu tổ chức thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội góp phần thay đổi nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong khu vực về tín dụng chính sách, về hoạt động của NHCSXH. Cùng với sự vào cuộc sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã quan tâm hỗ trợ NHCSXH về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác, cân đối nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 453 tỷ đồng (tăng 93,8% so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW), đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 936,5 tỷ đồng. Điển hình là Đồng Tháp 208,4 tỷ đồng, Cần Thơ 121,2 tỷ đồng, Long An 99,6 tỷ đồng, An Giang 100 tỷ đồng… 

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, hoạt động của NHCSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2012 - 2016 tại khu vực Tây Nam Bộ từ 10% (năm 2012) xuống còn 8,46% (năm 2016) theo tiêu chí nghèo đa chiều; đồng thời giảm số lượng xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn từ 153 xã, 10 tỉnh (năm 2013) xuống còn 93 xã, 8 tỉnh (năm 2016).


Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Hội nghị tổng kết 5 năm (2012-2016) thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ diễn ra đúng dịp tròn 3 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH mà tình hình kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có bước phát triển vững chắc.


Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trao Bằng khen của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho các tập thể và cá nhân.

Các ý kiến tham luận tại hội nghị của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ cho thấy, đã có gần 2,4 triệu lượt hộ nông dân được vay vốn từ NHCSXH góp phần giảm nghèo bền vững cho cả vùng. Đây là bước tiến quan trọng có sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, các hội đoàn thể. Nguồn vốn NHCSXH là công cụ của dân, do dân và vì dân. Cả nước đã có 190.000 tổ vay vốn cùa NHCSXH, 11.000 điểm giao dịch và hầu như xã nào cũng có điểm giao dịch. Đây là nguồn vốn thiết thực, bà con chắt chiu sử dụng, trong đó có vốn vay học sinh sinh viên rất hiệu quả, con em được ăn học, người dân được thụ hưởng, thấm đẫm tinh thần nhân văn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, về mục tiêu chúng ta phấn đấu trong 3 - 5 năm tới, các tỉnh trong vùng Tây Nam Bộ sớm triển khai vốn vay từ NHCSXH tới 100% hộ là đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đẩy lùi, hạn chế tiến tới xóa bỏ tín dụng đen ở nông thôn. Tiếp tục tăng tổng mức dư nợ, mức bình quân vay vốn, số hộ được vay vốn cần nâng lên. Thời gian tới NHCSXH cần hoàn thiện chính sách cụ thể, đối tượng vay vốn và thủ tục cho vay đơn giản hóa, nhất là cho vay giải quyết việc làm, cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh, kể cả cho vay khởi nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ hy vọng, chu kỳ 5 năm sau khi tổng kết 10 năm tín dụng chính sách vùng Tây Nam Bộ bức tranh của NHCSXH các tỉnh trong vùng sẽ khá hơn bây giờ, bộ mặt nông thôn mới sẽ có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân trong vùng Tây Nam Bộ khá hơn, hộ nghèo và cận nghèo giảm rõ rệt.

Ông Dương Quyết Thắng khẳng định, giai đoạn 2016 - 2020, NHCSXH xác định nhiệm vụ trọng tâm đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Nam Bộ là phát triển theo hướng ổn định, bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các dịch vụ khác do NHCSXH cung cấp. Đến năm 2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 13.000 tỷ đồng (tăng 46%) so với thực hiện năm 2016, tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm. Tỷ lệ nợ quá hạn duy trì ở mức mức dưới 1%/tổng dư nợ, hàng năm giảm ít nhất 15% số lãi tồn đọng; trên 70% số Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt, không có tổ hoạt động yếu kém. Tăng số dư tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn tối thiểu đạt 10% mỗi năm...

Nhân dịp này Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tặng Bằng khen cho 26 tập thể và 16 cá nhân; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tặng Bằng khen cho 3 tập thể của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; NHCSXH Việt Nam tặng Giấy khen cho 5 tập thể và 127 cá nhân đã có thành tích trong 5 năm thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam Bộ.


Bài, ảnh: Viết Tôn/Báo Tin Tức
'Đổi đời' nhờ vốn vay ngân hàng chính sách
'Đổi đời' nhờ vốn vay ngân hàng chính sách

Ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh được vay vốn để về đầu tư phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN