Nhiều cán bộ, đảng viên ở tỉnh Đắk Lắk đánh giá đây là sự cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khắc phục những bất cập, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và cập nhật một cách đầy đủ các quy định mới của Đảng về công tác cán bộ.
Theo Thạc sỹ Lê Đình Hoan, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk, Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã xác lập hệ thống các nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, qua đó nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tăng cường trách nhiệm cán bộ để lựa chọn, rèn luyện cán bộ theo yêu cầu về năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quy định số 41-QĐ/TW đã sửa đổi, bổ sung, làm rõ các khái niệm “miễn nhiệm” và “từ chức” đối với cán bộ và áp dụng trong phạm vi đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Khái niệm “miễn nhiệm” được sửa đổi, bổ sung: “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức”.
Việc bổ sung thời điểm miễn nhiệm để xác định cụ thể hơn các trường hợp miễn nhiệm: Không đáp ứng được yêu cầu công việc (quy định cũ là năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ); uy tín giảm sút (quy định cũ là mất uy tín); có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức (quy định cũ bao gồm cả trường hợp chưa đến mức bị kỷ luật bãi nhiệm). Về khái niệm “từ chức”, Quy định số 41-QĐ/TW bổ sung thời điểm cán bộ từ chức “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm” mà Quy định số 260-QĐ/TW chưa nêu. Quy định số 41-QĐ/TW bổ sung hai khái niệm mới là “vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng” và “vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng” tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 2.
Bên cạnh đó, Quy định số 41-QĐ/TW bỏ căn cứ “để đơn vị mất đoàn kết” tại Điểm c, Khoản 2, Quy định số 260-QĐ/TW; bổ sung thêm căn cứ “bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác” tại khoản 5, Điều 5. Quy định số 41-QĐ/TW sửa đổi một số nội dung về xem xét việc từ chức, bổ sung thêm căn cứ “có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định” tại Khoản 3, Điều 6.
Ông Lê Đình Hoan cho rằng việc Trung ương ban hành Quy định số 41-QĐ/TW đã hệ thống một cách chặt chẽ, có sự kế thừa và kết nối các quy định của Đảng từ trước về công tác cán bộ. Quy định số 41-QĐ/TW nêu rõ 6 căn cứ xét miễn nhiệm và 4 căn cứ xem xét từ chức. Đây là những căn cứ được định lượng rõ ràng, có tính pháp lý, góp phần quan trọng tạo sự đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, thể hiện rõ sự kiên quyết của Đảng trong lựa chọn cán bộ có đủ đức, đủ tài để gánh vác trách nhiệm trước Đảng, trước dân; kiên quyết sàng lọc những cán bộ không đủ uy tín, năng lực, phẩm chất để bảo đảm bộ máy lãnh đạo, quản lý trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc ban hành Quy định từng bước mở đường cho ứng xử văn minh trong miễn nhiệm, từ chức; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phù hợp mong muốn, kỳ vọng của nhân dân.
Ông Lê Đình Hoan cũng cho rằng, Quy định số 41-QĐ/TW có điểm mới về việc bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức. Đó là cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Quy định này thể hiện tinh thần nhân văn của Đảng ta đối với các trường hợp cán bộ từ chức, bởi vì có những trường hợp không phải do ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức kém, mà có thể do công việc không hợp năng lực, sở trường, hoàn cảnh gia đình… nên chưa phát huy được. Vì vậy, việc tạo điều kiện, bố trí lại công việc cho cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm đúng với năng lực, sở trường là rất cần thiết.
Để triển khai thực hiện Quy định số 41-QĐ/TW, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kế hoạch “Tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy đợt IV/2021”, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững những nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy định số 41-QĐ/TW; tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức, quan điểm chủ trương của Đảng trong triển khai thực hiện. Thường trực Tỉnh ủy sẽ có kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Võ Tấn Tài, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân tộc – Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đánh giá việc ban hành Quy định này là cần thiết, kịp thời, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng tình hình mới.
Theo ông Võ Tấn Tài, thực tế thời gian qua, một số cán bộ thiếu rèn luyện, năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc, thậm chí là uy tín thấp, song vẫn tiếp tục công tác đến hết nhiệm kỳ hoặc đủ tuổi nghỉ hưu mới nghỉ, đã kéo theo bộ máy trì trệ. Nói cách khác, quy định trước đây không quy định rõ những căn cứ để xử lý, xem xét từ chức, miễn nhiệm cán bộ thì nay Quy định 41-QĐ/TW đã quy định rõ, kịp thời giải quyết bộ máy ở một số nơi còn trì trệ, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, chỉnh đốn lại công tác cán bộ, từng bước xây dựng văn hóa từ chức, hoàn toàn phù hợp với bối cảnh xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển.
Để Quy định 41-QĐ/TW sớm được triển khai nghiêm túc trong thực thế, Ban Tổ chức Trung ương cần ban hành những quy định chi tiết, cụ thể, hướng dẫn thực hiện, ví dụ như thế nào là năng lực yếu kém. Cấp ủy các cấp sẽ trực tiếp thực hiện Quy định 41-QĐ/TW mà Ban tổ chức của cơ quan các cấp có nhiệm vụ tham mưu thực hiện. Tổ chức Đảng, cơ quan chức năng cần có kế hoạch thực hiện, khảo sát, xem xét, đánh giá và kiểm tra thực chất trình độ lẫn năng lực, uy tín của cán bộ, có giải pháp quản lý và giám sát chặt chẽ.
Người đứng đầu là người trực tiếp đánh giá công chức song phải có sự xem xét, kiểm tra, đánh giá của cấp trên, nếu người đứng đầu nghỉ dài hạn hoặc nghỉ ốm thời gian dài thì cần phải thay đổi. Có thể nói, Quy định 41-QĐ/TW đã thể hiện quyết tâm về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, là động lực cho cán bộ phấn đấu hơn nữa, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo và tạo cú hích mới trong công tác cán bộ.