Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2022; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Phát biểu tại hội trường, các đại biểu bày tỏ sự tán thành đối với nhiều nội dung của các báo cáo, đồng thời đánh giá cao ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, đa số các đại biểu nhận định, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Nhiều vụ án lớn, phức tạp về kinh tế, tham nhũng được phát hiện, giải quyết kịp thời, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Nhiều đại biểu đề nghị tập trung đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm gây bức xúc trong xã hội, tội phạm tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan công quyền, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước có yếu tố móc nối với nhà nước để tiêu cực và các lĩnh vực khác như quản lý, sử dụng đất đai, đấu thầu, đấu giá...
Qua theo dõi các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phản ánh 5 "chiêu trò lách luật" phổ biến trong hoạt động này. Đó là tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu; cài cắm các điều khoản hướng thầu để "cài thầu quen, chèn thầu lạ"; thiết lập liên minh "quân xanh, quân đỏ" để thông thầu, vây thầu; tình trạng móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu.
Quan tâm đến việc xử lý các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đánh giá cao Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và các cơ quan chức năng đã khởi tố điều tra nhiều vụ án lớn, có vụ án gây rúng động thị trường chứng khoán Việt Nam, qua đó phát hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho nhiều nhà đầu tư, làm thị trường chứng khoán có những giai đoạn chao đảo, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán. Hệ quả là đã làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua có nhiều biến động và nhiều rủi ro.
Tập trung phân tích về tình trạng "tham nhũng vặt", theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), "tham nhũng vặt" diễn ra với hình thức rất đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đến nơi đến chốn, không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách "bóp chặt"... Tình trạng tham nhũng vặt hiện nay như vòi bạch tuộc, "vừa nhiều vòi vừa đeo bám chặt", gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với một bộ phận cán bộ vốn được coi là công bộc của nhân dân…
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, trong thời gian tới, trước tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến khó dự báo, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự rất nặng nề, khó khăn, cấp bách. Do đó, Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ giám sát của Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước để thực hiện tốt hơn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn sự bình yên để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Gửi lời cảm ơn tới các đại biểu Quốc hội vì những phát biểu sâu sắc, tại phần giải trình trước Quốc hội của mình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của đại biểu liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hành chính; vấn đề xét xử trực tuyến; việc hướng dẫn áp dụng pháp luật và phát triển án lệ; vấn đề giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, nâng cao chất lượng và tỷ lệ giải quyết...
Giải trình tại phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu rõ: Đối với một số công tác thuộc lĩnh vực chuyên môn, ngành kiểm sát nhận thức được trách nhiệm của mình và sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới; góp phần đảm bảo hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo vệ quyền con người; qua đó thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao của ngành, góp phần vào sự bình yên, phát triển của xã hội.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, đối với việc thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, điều quan trọng nhất là vấn đề về nhận thức và sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đối với mong muốn của các đại biểu Quốc hội về việc khắc phục các hạn chế của hệ thống thi hành án, Bộ trưởng khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp thu để tiếp tục chỉ đạo và tham mưu chỉ đạo tốt hơn nữa, đạt kết quả tốt hơn trong những năm tới.