Ngày 19/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang). Ảnh: Nguyễn Dân-TTXVN |
Nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai. Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2003 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đồng thời cũng phát sinh những hạn chế, bất cập. Đó là pháp luật về đất đai hiện hành còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, chưa đồng bộ; quy hoạch sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai còn nhiều hạn chế; lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được đảm bảo tương xứng. Một số ý kiến cho rằng: Việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…Việc sửa đổi Luật Đất đai phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở....
Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp
Thảo luận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có ý kiến tán thành với quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: Cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các vùng kinh tế - xã hội được tính toán trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng cấp huyện được chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp xã. Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) cho rằng quy định như dự thảo luật là hợp lý. Theo đại biểu, quy hoạch sử dụng đất 4 cấp như thời gian qua gây tốn kém, lãng phí và không hiệu quả vì thực tế đa số chính quyền cấp xã không đủ năng lực để làm quy hoạch. Trên cơ sở tán thành với dự thảo luật, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị bổ sung việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của người dân trong quá trình xây dựng quy hoạch thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng). Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) tâm đắc với nội dung khoản 3, điều 49: "Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau ba (03) năm không được thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải hủy bỏ và công bố". Đại biểu đánh giá đây là quy định mới có ý nghĩa to lớn trong việc hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng dự án treo như hiện nay. Tuy nhiên, sau 3 năm mà cơ quan có thẩm quyền chưa hoặc không làm thủ tục hủy bỏ dự án và công bố trước nhân dân thì quyền lợi của người dân sẽ không được đảm bảo, người dân vẫn không được sử dụng đầy đủ các quyền trên đất của mình. Do đó, đại biểu Trương Thị Huệ đề nghị bổ sung tiếp sau khoản 3, điều 49 nội dung: "Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền không hoặc chậm hủy bỏ việc công bố thì người chủ sử dụng diện tích đất trên được thực hiện các quyền sử dụng đất của mình và được pháp luật bảo hộ".
Tại phiên thảo luận cũng có những quan điểm khác đề nghị tiếp tục thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 4 cấp (quốc gia, tỉnh, huyện và xã), trong đó quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện là quy hoạch tổng thể, quy hoạch sử dụng đất cấp xã là quy hoạch thiết kế chi tiết để phục vụ cho công tác quản lý đất đai. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đặt câu hỏi tại sao lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chỉ gồm 3 cấp mà không có cấp xã trong khi cấp xã là cấp cơ sở để quy hoạch, kế hoạch chi tiết, là cấp quản lý trực tiếp đất đai. Đại biểu đề nghị giữ quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như luật hiện hành vì nếu quy định chỉ gồm 3 cấp thì quy hoạch, kế hoạch đó sẽ rất rộng, dẫn đến có nhiều quy hoạch treo, sử dụng đất đai không hợp lý.
Đa dạng hóa các hình thức giao đất, thu hồi đất
Thảo luận về cơ chế thu hồi đất, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng cần đa dạng hóa các hình thức giao đất, thu hồi đất phù hợp với đặc điểm của từng loại đất. Về cơ chế giao đất và thu hồi đất quy định từ điều 16 đến điều 22 của dự thảo luật cơ bản không khác nhiều so với quy định hiện hành.
Theo điều 17, Nhà nước thu hồi đất trong 3 trường hợp: Thứ nhất thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng cộng và phát triển kinh tế, xã hội; thứ hai thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai; thứ ba thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện. Đại biểu Thân Đức Nam cho rằng cơ chế thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp thứ hai và thứ ba. Với trường hợp thứ nhất, nên áp dụng cơ chế nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất đúng thẩm quyền của Nhà nước như Hiến pháp đã quy định, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế. Đề xuất này được đại biểu đưa ra dựa trên phân tích tình hình thực tế: "Nhà nước thu hồi nhưng phải bồi thường theo giá thị trường, thì thực chất là mua lại quyền sử dụng của người đang sử dụng đất theo giá thị trường. Nhưng Nhà nước lại áp đặt giá cả khi bồi thường, tự nó đã mâu thuẫn với khái niệm thị trường. Nhưng nếu Nhà nước sử dụng quyền trưng mua, chính Nhà nước có quyền định giá trưng mua với quyền hạn của Nhà nước mà Hiến pháp cho phép".
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng). Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị cần xem lại các quy định về cơ chế thu hồi đất. Thực tế những năm vừa qua vì mục đích phát triển kinh tế đã thu hồi nhiều đất để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, sân gôn… Tuy nhiên có một số dự án lại để hoang hóa, lãng phí đất đai trong khi người dân không có đất để canh tác, dẫn đến đời sống gặp rất nhiều khó khăn, gây bức xúc trong nhân dân và là nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện. Đại biểu Trần Ngọc Vinh phân tích, do đất đai cũng là một tài sản, hàng hóa nên theo quy định của Hiến pháp không thể dùng biện pháp thu hồi mà chỉ sử dụng cơ chế trưng mua hoặc trưng dụng trong trường hợp thật sự cần thiết.
Sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Vấn đề về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận. Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng đây chính là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai ngày một gia tăng. Dự thảo luật cần phải sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Đại biểu đề nghị cần nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng thời Nhà nước phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất; nghiên cứu lập quỹ giải quyết việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất...
Trên cơ sở tán thành với các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong dự thảo luật, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng điều người dân quan tâm nhất sau khi thu hồi đất đó là có việc làm ổn định. Đại biểu đề xuất bổ sung đối với những dự án phát triển kinh tế, đặc biệt là các dự án khai thác khoáng sản cần đưa ra quy định chia sẻ lợi ích cho cộng đồng để phục hồi kinh tế lâu dài cho người dân.
Đảm bảo tính thống nhất khi sửa đổi Luật Đất đai và Hiến pháp
Nhấn mạnh đến nguyên tắc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi sửa đổi Hiến pháp, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, khi sửa đổi Luật Đất đai, vấn đề người dân thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp vẫn phải được coi là nguyên tắc quan trọng như sửa đổi Hiến pháp 1992. Để thực hiện điều này, cần đảm bảo thẩm quyền của HĐND trong việc tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc này sẽ góp phần tránh lợi ích nhóm. Đồng thời, theo đại biểu, công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhất thiết phải có ý kiến người dân.
Phản ánh những sự kiện pháp lý bình thường, diễn ra liên tục trên thực tế như việc cho mượn, cho thuê, chuyển nhượng, tặng, cho đất đai, các đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) đề nghị, dự thảo Luật nên tiến tới công nhận quyền sử dụng đất đai như một quyền sở hữu về tài sản đối với người dân tương tự như với quyền về tài sản đã được quy định trong Bộ Luật Dân sự.
Đề cập đến tầm quan trọng của việc sửa đổi bộ luật có liên quan đến nhiều mặt của đời sống dân sinh này, các đại biểu cho rằng, dự thảo sửa đổi đang được chuẩn bị cùng với thời gian chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp của Luật Đất đai (sửa đổi) với Hiến pháp (sửa đổi), đồng thời có thêm thời gian nghiên cứu các vấn đề liên quan một cách thấu đáo, cần tranh thủ tối đa các ý kiến đóng góp của các tổ chức chính trị, xã hội, các nhà khoa học, nhà quản lý và người dân.
Cần thống nhất phương pháp tính giá đất
Rất nhiều ý kiến băn khoăn với quy định trong dự thảo khi xác định giá đất “phù hợp với giá thị trường”. Các đại biểu lập luận, quy định như vậy là quá khó khăn trong việc áp dụng trên thực tế.
Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) cho rằng: Quy định đất “phù hợp với giá thị trường" vẫn rất mờ nhạt. Đây là mấu chốt của công tác quản lý đất đai, nguyên nhân của các khiếu kiện liên quan đến đất đai, đại biểu kiến nghị cần phải quy định cụ thể hơn về cơ quan, đơn vị xây dựng giá, cơ quan thẩm định giá khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất.
Hoan nghênh những điểm mới, tiến bộ trong dự thảo sửa đổi, tuy nhiên chưa hài lòng với quy định về phương pháp định giá đất, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đặt câu hỏi: Quy định “phù hợp với giá thị trường" là trong điều kiện bình thường hay bất thường bởi tại nhiều thời điểm thu hồi đất, giá đất đã bị “thổi” lên rất cao? Cần quy định chi tiết phương pháp định giá đối với từng loại đất: Nông nghiệp, đất ở, đất rừng để đảm bảo tính khả thi - đại biểu kiến nghị.
Cùng quan điểm này, các đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long), Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình)... kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp thu, làm rõ hơn nữa khái niệm “phù hợp với giá thị trường” trong xác định giá đất.
Nên hạn chế các trường hợp “thu hồi đất”
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị, cần xem xét thêm về thuật ngữ “thu hồi đất” và kiến nghị nên sử dụng “trưng mua quyền sử dụng đất” vì quyền sử dụng đất là quyền tài sản và cũng được coi là tài sản theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc mục đích thu hồi đất đi đôi với cơ chế thu hồi; phân định giữa các trường hợp mục đích thu hồi đất khác nhau như: Thu hồi vì mục đích quốc phòng an ninh, thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai, thu hồi để phục vụ dự án phát triển KT - XH...
Đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) nêu quan điểm nên thu hẹp thẩm quyền thu hồi đất của Nhà nước. Việc thu hồi đất chỉ nên đặt ra đối với những công trình quốc phòng, an ninh. Đối với những trường hợp thu hồi vì mục đích phục vụ các dự án phát triển KT - XH thì chỉ nên coi đó là trưng mua trên cơ sở thương lượng với chủ sử dụng đất là người dân.
Cùng quan điểm này, các đại biểu: Nguyễn Thị Hải (Nghệ An), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cũng như nhiều đại biểu khác kiến nghị việc thu hồi đất chỉ nên giới hạn ở những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, nên đảm bảo quy trình thu hồi đất thực sự minh bạch. Việc đền bù phải đảm bảo thỏa đáng những tổn thất về sinh kế.
Nhiều đại biểu không tán thành việc kéo dài thời hạn giao đất lên 50 năm như trong dự thảo, cho rằng việc này sẽ gây nhiều tác động xấu đến hậu quả xã hội. Các đại biểu đề xuất việc kéo dài thời hạn giao đất cần phải được tính toán kỹ, chọn lọc đối tượng phù hợp được kéo dài và đảm bảo nghĩa vụ tài chính. Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ việc giao đất sau thu hồi; kiên quyết không để tình trạng hoang hóa đất đai sau khi thu hồi, trong khi người dân thiếu đất sản xuất.
Quỳnh hoa - Quang Vũ