Nâng cao hiệu quả an sinh xã hội vùng Tây Bắc

Xây dựng vùng Tây Bắc phát triển vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chung tay xóa nghèo

Bên cạnh các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm đầu tư cho phát triển vùng Tây Bắc, các địa phương vùng Tây Bắc cũng đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất của nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, giúp cho địa phương, đồng bào nghèo vùng Tây Bắc có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Khi thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, trên tinh thần khuyến khích các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước, mỗi đơn vị nhận hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất 1 huyện nghèo, Chính phủ đã phân công hầu hết các doanh nghiệp mạnh của Trung ương nhận “đỡ đầu” cho các huyện nghèo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các đơn vị có nhiều đóng góp trong chương trình an sinh xã hội chung tay cùng đồng bào Tây Bắc. Ảnh: Viết Tôn

Đối với vùng Tây Bắc, 43/43 huyện nghèo trong vùng đã được các doanh nghiệp nhận hỗ trợ, cam kết đến năm 2020 với tổng số tiền là 2.114,58 tỷ đồng (chiếm 87,4% tổng số tiền doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho 62 huyện nghèo của cả nước). Nguồn lực trên được hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực như: xây dựng nhà ở, trường học, trạm y tế xã, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên cử tuyển; đào tạo nghề, nhận lao động địa phương vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn; đầu tư cơ sở y tế và các cơ sở hạ tầng xã hội...
Từ năm 2009 đến nay, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như: các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội, giao lưu với các chủ đề “Chung tay cùng Tây Bắc và các huyện nghèo”, “Góp sức cùng đồng bào Tây Bắc”… Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp và một số thành phố lớn đã cam kết hỗ trợ gần 1.700 tỷ đồng; trong đó, riêng Ngành Ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ vượt mức cam kết với tổng số tiền trên 1.100 tỷ đồng cho các tỉnh trong vùng để giúp đồng bào nghèo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đã tham gia hỗ trợ đồng bào nghèo về sinh kế, tổ chức các lớp học nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy sản cho người dân các địa phương vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, Thủy điện Hòa Bình...

Từ năm 2012, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Đại học Quốc gia phối hợp triển khai Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đây là chương trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, được Chính phủ quan tâm chỉ đạo để giúp các tỉnh trong vùng đưa khoa học công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Những giải pháp

Để nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội đối với vùng Tây Bắc, cùng với những nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, cần có những giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài.

Một là, tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nghề, phát triển và định hướng đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy nghề, đáp ứng yêu cầu lao động, trước hết là cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động tại địa phương...

Có chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, sử dụng nguồn lao động của địa phương. Có sự gắn kết chặt chẽ từ khâu xác định nhu cầu đào tạo đến giải quyết việc làm giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề.

Hai là, thực hiện tốt chính sách ưu đãi, chăm lo đời sống vật chất tinh thần người có công với cách mạng.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với đối tượng yếu thế, đối tượng xã hội, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội để góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Chủ động nguồn lực tại chỗ, hỗ trợ cho người dân bị thiên tai, dịch bệnh, không để người dân đói, trẻ em bỏ học, tạo điều kiện ổn định cuộc sống và sản xuất.

Ba là, thực hiện hiệu quả, kịp thời các dự án, chương trình, chính sách, đảm bảo đúng đối tượng được hưởng; lồng ghép các chương trình, dự án dạy nghề, nâng cao kiến thức, trình độ tay nghề, tạo sinh kế cho người nghèo để tạo việc làm tại chỗ hoặc vào làm việc tại các doanh nghiệp, trên địa bàn.

Bốn là, tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng trong toàn xã hội sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong công tác an sinh xã hội, đặc biệt là đối với vùng nghèo, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Có hình thức vinh danh, khen thưởng, ghi nhận, động viên kịp thời đối với các tổ chức và cá nhân làm tốt công tác an sinh xã hội.

Trên thực tế, khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp là vấn đề về vốn, việc lấy kinh phí từ nguồn nào và tài trợ ra sao. Hầu hết các doanh nghiệp mạnh, làm ăn có lãi đều tự nguyện tham gia công tác an sinh xã hội; nguồn quỹ an sinh xã hội được xây dựng từ các ngày làm việc thêm giờ thứ 7, chủ nhật của công nhân viên chức, người lao động và sự đóng góp tự nguyện trực tiếp của từng cá nhân.

Vì vậy, đối với các doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có nguồn quỹ an sinh xã hội dồi dào, các cơ quan chủ quản, các bộ, ngành, địa phương có thể gợi ý địa chỉ để doanh nghiệp đầu tư, giúp đỡ cho đúng (như cách làm có hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua).

Cuối cùng, cần xây dựng và ban hành những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về việc thực hiện công tác an sinh xã hội, nhất là đối với việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân.

Để phối hợp, chỉ đạo có hiệu quả công tác an sinh xã hội trong Vùng, Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ phối hợp với các tỉnh trong vùng và các cơ quan có liên quan nắm bắt thông tin về doanh nghiệp, giám sát, kiểm tra, rà soát việc thực hiện cam kết của các đơn vị đã được trao Giấy chứng nhận xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện gói tài trợ tại các hội nghị an sinh xã hội do Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức thời gian qua; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng cam kết.q
TS.Trương Xuân Cừ ( Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc )
Phụ nữ Tây Bắc vượt khó, làm giàu
Phụ nữ Tây Bắc vượt khó, làm giàu

Trong những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của vùng Tây Bắc, có đóng góp không nhỏ của hàng triệu phụ nữ các dân tộc nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN