Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc khẳng định, vùng Tây Bắc gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Việt Nam. Xây dựng vùng Tây Bắc phát triển vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, đầu tư cho phát triển vùng Tây Bắc là nhiệm vụ luôn được Chính phủ ưu tiên. Cùng với nội lực, các nguồn ngoại lực, trong đó có các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, viễn thông… đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc hôm nay có những khởi sắc mới.
Đoàn chủ tịch điều hành hội thảo. |
Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thời gian qua, các địa phương vùng Tây Bắc đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất của nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, giúp cho địa phương, đồng bào nghèo vùng Tây Bắc có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Riêng đối với vùng Tây Bắc, 43/43 huyện nghèo trong vùng đã được các doanh nghiệp nhận hỗ trợ, cam kết hỗ trợ đến năm 2020 với tổng mức hỗ trợ là 2.114,58 tỷ đồng(chiếm 87,4% tổng số tiền doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho 62 huyện nghèo của cả nước). Nguồn lực trên tập trung vào các lĩnh vực như: xây dựng nhà ở, trường học, trạm y tế xã, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên cử tuyển; đào tạo nghề, nhận lao động địa phương vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn; đầu tư cơ sở y tế và các cơ sở hạ tầng xã hội...
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, giai đoạn 2009 – 5/2016, đã có 3,07 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp gần 445.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho gần 150.000 lao động, gần 10,5 nghìn lao động vay vốn xuất khẩu lao động; giúp trên 241.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 953.000 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh ở nông thôn… Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam khẳng định, thời gian tới toàn ngành sẽ tích cực hơn nữa để thực hiện chính sách an sinh xã hội vùng Tây Bắc, nâng cao chất lượng lượng tín dụng chính sách xã để người dân thực sự hưởng lợi từ nguồn vốn vay ưu đãi. GS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam tham luận tại hội thảo. |
Tham gia với tư cách là một chuyên gia, GS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để nâng cao hiệu quả an sinh xã hội vùng Tây Bắc thì phải đặt vấn đề an sinh trong tương quan giữa lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư và lợi ích của người dân. Tránh để xảy ra tình trạng phát triển một số ngành kinh tế có lợi cho nhà đầu tư nhưng lại ảnh hưởng đến điều kiện sống (như môi trường, văn hóa…) của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tổng kết hội thảo, đại diện Ban Chỉ đạo Tây Bắc, cùng các ban, bộ, ngành và chính quyền địa tha thiết các doanh nghiệp cùng chung tay đóng góp cho công tác an sinh xã hội của vùng Tây Bắc ngày một hiệu quả hơn.