Tham dự Diễn đàn tại đầu cầu Hà Nội có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 Nguyễn Quốc Dũng, Phó Tổng thư ký ASEAN Robert Matheus Tene. Về phía đầu cầu các nước ASEAN do các Trưởng Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN (ASLOM) điều hành. Ngoài ra, Diễn đàn còn có sự tham dự của một số chuyên gia quốc tế đến từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA), Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: Chủ đề của Diễn đàn lần này về tổ chức thi hành pháp luật, thi hành án dân sự có ý nghĩa thiết thực đối với các nước thành viên ASEAN, nhất là các cơ quan pháp luật và tư pháp. Ban hành pháp luật là chưa đủ, việc tổ chức thi hành pháp luật mới quyết định sự thành công, hiệu quả của pháp luật. Bản án, quyết định của Tòa án sẽ có ít ý nghĩa nếu chúng không được tôn trọng và thực thi trên thực tế.
Đối với Việt Nam, trong những năm gần đây, Chính phủ đã dành nhiều công sức, đặt ra các chương trình, kế hoạch và giải pháp đối với xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cũng như tập trung bảo đảm hiệu quả thi hành pháp luật, thi hành đúng các bản án, quyết định về dân sự của Tòa án. Tuy nhiên, công tác tổ chức thi hành pháp luật, thi hành án dân sự của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau, đòi hỏi tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác này.
“Việt Nam luôn mong muốn được chia sẻ, học hỏi, tham khảo có chọn lọc những kiến thức, kinh nghiệm từ các nước ASEAN anh em, cũng như các quốc gia khác trên thế giới”, Thứ trưởng Ngọc khẳng định và đánh giá Diễn đàn Pháp luật ASEAN lần này là cơ hội tốt để các nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt và cả những bài học không thành công trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, thi hành án dân sự, tìm hiểu thêm kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới trong công tác này.
Nhất trí với Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc về sự cần thiết và hữu ích của việc tổ chức Diễn đàn này, Phó Tổng Thư ký ASEAN Robert Matheus Michael Tene đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tư pháp Việt Nam trong việc tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cũng khẳng định, việc Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn Pháp luật ASEAN 2020 sẽ góp phần tích cực vào sự thành công chung của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt trong bối cảnh Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 đang đến gần.
Tại Diễn đàn, đại diện 10 nước thành viên ASEAN đã trình bày các tham luận về kinh nghiệm của mỗi quốc gia liên quan đến nội dung chủ đề của Diễn đàn bao gồm: Khuôn khổ chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức thi hành pháp luật, thi hành án dân sự; mô hình, thực tiễn tổ chức công tác thi hành pháp luật, mô hình hệ thống thi hành án dân sự tại các quốc gia ASEAN và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; các giải pháp, định hướng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật, thi hành án dân sự; biện pháp tăng cường hợp tác quốc tế về thi hành pháp luật, trong đó có thi hành án dân sự giữa các quốc gia ASEAN…
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, các chuyên gia quốc tế đến từ UNDP, JICA, Đức, Pháp cũng đã đóng góp ý kiến, chia sẻ mô hình tốt, cách làm hay trong việc tổ chức thi hành pháp luật, thi hành án dân sự của một số nước khác trên thế giới để các nước ASEAN cùng tham khảo.
Diễn đàn pháp luật ASEAN 2020 là một hoạt động trong chuỗi các sự kiện của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, được tổ chức nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để tăng cường hiểu biết giữa các nước ASEAN về thể chế, mô hình tổ chức thi hành pháp luật và thi hành các bản án, quyết định dân sự của tòa án của mỗi quốc gia, góp phần thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các nước ASEAN; thể hiện và khẳng định vai trò tham gia chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN, góp phần thực hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.