Hội nghị có sự tham gia trực tiếp của đại diện Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai 10 tỉnh, thành miền Trung và kết nối trực tuyến tới các huyện, xã trọng điểm về phòng, chống thiên tai các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên.
Các đại biểu tham dự tập trung đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong công tác khắc phục hậu quả bão, mưa lũ năm 2020 tại các tỉnh miền Trung; trao đổi về các chính sách mới có liên quan đến công tác khắc phục hậu quả thiên tai vừa được ban hành; bàn các giải pháp và công việc cần triển khai trong thời gian tới.
Sau khi nghe các báo cáo, phát biểu tham luận tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh một số nội dung chính cần triển khai trong thời gian tới. Cụ thể, các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 đảm bảo tiến độ, chất lượng, làm cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xóa tạm cấp, huy động nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ từ tháng 9-11/2021 vừa qua. Đồng thời, các địa phương cần sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ còn có thể xảy ra trong tháng 12/2021, đảm bảo an toàn về người và sản xuất, nhất là sắp đến thời gian xuống giống vụ Đông Xuân 2021-2022.
Trong thời gian tới, Tổng cục Phòng, chống thiên tai sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai nghiêm túc Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai; tập trung nâng cao năng lực Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy cấp tỉnh, bổ sung nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, kết nối trực tuyến với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo; tham mưu xây dựng đề án, báo cáo các UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy chuyên trách trên cơ sở biên chế hiện có của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Cũng theo ông Trần Quang Hoài, các tỉnh, thành cần tiếp tục chỉ đạo, kiện toàn tổ chức, cung cấp trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm an toàn; bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động này. Các địa phương xây dựng công cụ, tính toán điều hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chỉ đạo các chủ hồ thủy điện rà soát, kiểm tra phương án, vật tư trang thiết bị đảm bảo an toàn công trình; lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ...
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, năm 2020, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng xảy ra tại khu vực miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản: Làm 249 người chết, mất tích; 1.531 nhà sập, 239.341 nhà bị hư hại, tốc mái, 473.449 nhà bị ngập; nhiều công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, dân sinh bị hư hỏng, sạt lở. Ước tính thiệt hại trên 36.000 tỷ đồng.