Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp dịch vụ…
Các cấp Hội phối hợp xây dựng trên 10 nghìn mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức xây dựng trên 67 nghìn mô hình, trong đó có gần 37 nghìn mô hình trồng trọt, gần 23 nghìn mô hình chăn nuôi, trên 4 nghìn mô hình nuôi trồng thủy, hải sản, gần 1.500 mô hình chế biến, trên 530 mô hình khuyến công cho gần 632 nghìn lượt hội viên, nông dân tham gia.
Đối với công tác đào tạo, dạy nghề, các cấp Hội đã tổ chức được 51.500 lớp tập huấn cho gần 3 triệu lượt hội viên, nông dân về tổ chức sản xuất theo hướng phát triển các tổ hợp tác, liên kết sản xuất, hợp tác xã kiểu mới gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới theo hướng công nghệ cao, an toàn và liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Thào Xuân Sùng đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đó là nông dân chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính quy hoạch và liên kết, tỷ lệ cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất còn thấp. Thu nhập của nông dân còn thấp so với các ngành nghề khác, một bộ phận nông dân không con tư liệu sản xuất, phải chuyển nghề, đi làm thuê, làm mướn...
Để nâng cao vị thế, vai trò và đời sống của nông dân trong xây dựng nền nông nghiệp hiện đại gắn với tiếp tục thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Hội Nông dân Thào Xuân Sùng yêu cầu, các cấp Hội tiếp tục vận động nông dân tích cực tham gia đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền vận động hội viên nông dân, khơi dậy sự cố gắng, lòng nhiệt huyết, tích cực sáng tạo của nông dân cả nước. Các cấp hội phát huy đầy đủ trách nhiệm xã hội và vai trò chủ thế của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại; xây dựng cơ chế và phân vai cụ thể vấn đề liên kết “6 nhà” trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị mới để đảm bảo lợi ích của mỗi bên tham gia...
Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở cấp cơ sở, ông Nguyễn Hùng Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho hay: Nam Định là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp nhưng nguồn thu ngân sách của tỉnh thấp, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, lạc hậu; đất đai manh mún, hạ tầng nông thôn xuống cấp… Nhận thức rõ những thuận lợi, khó khăn của quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, trong đó rõ nét nhất chính là công tác tuyên truyền, vận động nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực của cộng đồng để xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh Bùi Nhâm Sâm cho biết, qua 10 năm, thực tiễn ở địa phương đã đúc rút một số kinh nghiệm, đó là coi trọng việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động, làm cho nông dân thay đổi tư duy, nhận thức về vai trò làm chủ trong xây dựng nông thôn mới; tranh thủ các nguồn lực để xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, từ đó nhân ra diện rộng. Bên cạnh đó, các cấp Hội luôn quan tâm các hoạt động giám sát và phản biện các chu trình chính sách, không ngừng củng cố tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.