Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị tất cả cán bộ, công chức phải kê khai tài sản. |
Hôm qua (13/6), tại phiên thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), các đại biểu đã bày tỏ nhiều băn khoăn về việc kê khai tài sản, xử lý tài sản không kê khai trung thực.
Về vấn đề này, bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh bày tỏ quan điểm: Phải quy định tất cả cán bộ công chức phải kê khai tài sản. Nếu chỉ những người được bổ nhiệm mới kê khai thì những người khi chưa giữ chức vụ đã tham nhũng khi được bổ nhiệm họ sẽ nói đó là tài sản có từ trước.
"Đối tượng kê khai nhiều quá thì phải phân cấp về cơ quan kiểm soát tài sản, không đưa tất về Thanh tra Chính phủ. Cấp xã thì ai quản, cấp huyện, cấp trung ương thì ai quản. Khi thăng cấp lên thì cơ quan cũ phải chuyển hồ sơ cũ lên cơ quan mới để tiếp nhận và thẩm tra xem kê khai cũ có đúng không", đại biểu Sinh nói.
Vị phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đề nghị cần coi việc kê khai như là một chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức. "Anh kê khai hồ sơ vào Đảng dài 4 trang giấy được mà tại sao cứ nói kê khai tài sản là khó khăn. Cái đó không thuyết phục. 90 triệu dân quản lý được hết, mấy triệu công chức thì thừa sức. Có làm đến nơi đến chốn không thôi chứ dư sức làm được. Bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể của ta tổ chức rất chặt chẽ, có đủ sức làm chứ nếu dồn hết lên 1 cấp duy nhất thì 3 đầu 6 tay cũng không làm được", ông Sinh nêu quan điểm.
Đồng thời với việc kê khai thì việc kiểm tra, giám sát rất quan trọng. Kê khai xong phải kiểm tra xác suất. "Mỗi năm kiểm tra một vài đối tượng, mỗi cấp cũng vậy thì thừa sức làm. Cán bộ xã khoảng 15 - 20 người là công chức. Ông Bí thư Đảng ủy xã quản lý những người này nhưng ông ấy lại được cấp huyện quản. Thường vụ Tỉnh ủy do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản. Giám đốc Sở trở xuống thì cấp tỉnh quản. Nếu sau này anh chuyển hồ sơ lên cấp trên mà bị phát hiện quản lý kê khai không đầy đủ thì người quản lý cũng bị xử lý chứ không chỉ người kê khai không trung thực bị xử lý. Như vậy sẽ vào nề nếp, không cần tăng thêm biên chế", đại biểu Nguyễn Tiến Sinh khẳng định.
Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cũng cho rằng: Trong việc kê khai, sau này phát hiện ra có tài sản không kê khai thì phải xác minh tài sản đó của ai hay họ đứng tên ai, tài sản này có dấu hiệu tham nhũng hay phạm tội không. Và cấp nào quản lý kê khai không đến nơi đến chốn, không phát hiện ra, không kiểm tra giám sát thì lỗi thuộc cấp đó. Thứ 2 người kê khai không đúng cũng phải chịu trách nhiệm.
Theo các đại biểu, kê khai tài sản không phải việc đơn giản. Cần phải tổng kê khai, những việc từ đây về trước thì không nói nhưng việc từ đây trở đi thì dứt khoát phải làm. Nếu không có khởi đầu thì không làm được, phải chọn thời điểm để khởi đầu.