Nên thành lập một Ủy ban xử lý nợ xấu

“Phải xác định giải quyết nợ xấu là cứu nền kinh tế, chứ không phải chỉ là cứu ngân hàng, hay cứu doanh nghiệp (DN), cứu bất động sản (BĐS)”. Ông Trần Hoàng Ngân (ảnh), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm với báo giới về nợ xấu.

 

´Tại sao tại diễn đàn Quốc hội lần này, nhiều ý kiến đề nghị phải tiếp tục xử lý nợ xấu thì mới tháo gỡ được khó khăn cho nền kinh tế?


Nợ xấu phát sinh có nguyên nhân do lỗi của người cho vay (ngân hàng-pv) và người đi vay. Đặc biệt, người đi vay vốn lại kinh doanh đa ngành, phần lớn tập trung vào đầu tư, kinh doanh BĐS. Với thị trường BĐS, từ năm 2008 lẽ ra đã đổ vỡ, nhưng chúng ta cố gắng cứu và giữ nó lại, bằng cách đưa ra gói kích cầu từ năm 2009. Nhờ gói kích cầu đó mà nhà đầu tư thêm sự hưng phấn và tiếp tục nhấn sâu vào BĐS. Hệ quả cuối cùng thì bong bóng BĐS xẹp và nợ xấu lại “xấu” thêm. Giả sử nếu nợ xấu là 100.000 tỷ đồng thì sau một năm phải dành tiền lãi khá lớn đắp vào đó, nên nói nợ xấu ngày càng xấu là lý do như vậy.


Xử lý nợ xấu sẽ làm minh bạch hệ thống ngân hàng, minh bạch DN nào tốt, xấu một cách rõ ràng. Ngân hàng và DN minh bạch sẽ hỗ trợ đề án tái cấu trúc ngân hàng. Khi đó, chúng ta sẽ biết ngân hàng nào cần đưa vào hợp nhất, sáp nhập, quốc hữu hóa. DN cũng vậy, sẽ biết DN nào cần giải thể, phá sản. Từ đầu năm đến nay, tại sao ngân hàng giảm lãi suất nhưng vẫn còn cao, tổng huy động vốn cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Câu trả lời là do chúng ta chưa giải quyết được nợ xấu. Do đó, phải tập trung xử lý nợ xấu càng sớm càng tốt để tạo lưu thông hàng hóa, tiền tệ. Giải quyết nợ xấu cũng sẽ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngân hàng và tái cơ cấu DN nhà nước để nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn.


´Vậy, cần phải làm gì để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả, thưa ông?


Xử lý nợ xấu hiện nay không chỉ trông chờ vào ngân hàng vì còn liên quan đến BĐS, các tập đoàn kinh tế... Cho nên, nếu cứ giữ quan điểm để tự các ngân hàng xử lý nợ xấu thì không được.


Theo tôi, nên thành lập ngay một Ủy ban xử lý nợ xấu, trong đó Ngân hàng Nhà nước làm cơ quan thường trực vì không ai hiểu rõ nợ xấu hơn ngân hàng; có đại diện của Bộ Tài chính bởi nợ xấu liên quan đến các dư nợ của các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, cần thêm sự tham gia của Bộ Xây dựng vì nợ xấu cũng liên quan đến đất đai, bất động sản. Bộ Công an tham gia vào ủy ban này. Song để được minh bạch, hiệu quả chúng ta phải có Ban kiểm soát, gồm đại diện Quốc hội, cụ thể, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội sẽ giám sát độc lập Ủy ban xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trong Ủy ban này vẫn phải hình thành Công ty mua bán nợ như nhiều ý kiến đề xuất.


Sau khi thành lập Ủy ban xử lý nợ xấu chúng ta sẽ tiến hành các bước tiếp theo. Trước tiên, phải đo lường nợ xấu xem là bao nhiêu, thuộc lĩnh vực nào, ngành nào và có chồng chéo với nhau như thế nào. Bước hai, thẩm định lại tài sản thế chấp xem có đủ đảm bảo cho khoản nợ xấu phải xử lý không. Việc thẩm định đó phải được công khai thông qua hình thức bán đấu giá tài sản. Sau thẩm định mà không ai mua thì công ty mua bán nợ sẽ ứng vốn mua lại tài sản đó để tách cái nợ xấu này ra. Bước ba, xem xét về thiệt hại phát sinh do sự chênh lệch giữa dư nợ và tài sản được định giá để tìm nguồn bù vào.


Sau khi đánh giá thiệt hại, nguồn bù đắp đầu tiên lấy từ quỹ dự phòng rủi ro từ hệ thống ngân hàng; lấy từ vốn tự có, vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng thương mại; lấy từ vốn tự có của chủ thể có liên quan như người bảo lãnh, người đi vay phải chịu trách nhiệm liên đới về nợ xấu. Trên cơ sở đó, chúng ta tiến hành xử lý nợ xấu từng bước. Khi nợ xấu được giải quyết, DN tiếp cận vốn dễ hơn và đương nhiên tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trở lại và nền kinh tế sẽ hồi phục.


Xin cảm ơn ông!


Thu Hường (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN