Nên trợ giá cho hành khách đi xe buýt

Phương tiện xuống cấp, chất lượng phục vụ thấp, bỏ khách, bỏ bến, di chuyển chậm… là những lý do khiến hiệu quả của việc trợ giá xe buýt trong thời gian qua không đạt mục tiêu như mong đợi, thậm chí lượng khách đi xe có xu hướng ngày càng giảm.

Lượng khách giảm

Theo báo cáo của Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (TTQL&ĐHVTHKCC), từ năm 2002 chương trình trợ giá xe buýt ra đời với 32 doanh nghiệp vận tải (DNVT) tham gia, tuy nhiên đến năm 2015 chỉ còn có 12 DNVT tham gia và lượng khách đi xe buýt cũng ngày càng giảm.


Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Cành, Trưởng bộ môn tài chính Trường Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh, cho rằng trong thời gian áp dụng trợ giá cho xe buýt, chi phí trợ cấp cho hành khách không tăng nhưng tổng trợ cấp cho doanh nghiệp tăng cao ( tăng 18,5 lần qua hơn 10 năm). Ngoài ra, lượng hành khách đi xe buýt ngày càng giảm, chẳng hạn năm 2015 giảm còn 80% so với năm 2012. Người dân cũng không còn ưu tiên đi xe buýt mà thay vào đó là ưu tiên xe cá nhân, kéo theo đó ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cũng tăng theo. Vì vậy, đã đến lúc TP phải thay đổi cách trợ giá cho xe buýt để thu hút nhiều hành khách hơn. Nghĩa là nên trợ giá trực tiếp cho hành khách chứ không phải trợ giá thông qua các đơn vị vận tải như hiện nay.

Cần thay đổi cách trợ giá để hành khách được hưởng lợi nhiều hơn.

Trong khi đó, lí giải nguyên nhân khiến lượng khách đi xe buýt tại TP Hồ Chí Minh liên tục giảm, đại diện TTQL&ĐHVTHKCC cho biết trước hết là do phương tiện hiện nay đã xuống cấp, làm cho chất lượng phục vụ giảm, cùng với việc gia tăng mật độ giao thông, thời gian hành trình tăng cao, xe buýt cũng không còn thu hút hành khách như trước. Bên cạnh đó, trên xe buýt vẫn tồn tại những hành vi không đúng mực của một bộ phận lái xe, tiếp viên như không hòa nhã với hành khách, phân biệt đối xử với hành khách ưu tiên và miễn vé, tranh giành hành khách, phóng nhanh, vượt ẩu, bỏ bến, bỏ khách…Tình trạng xé vé khống xảy ra tại một số hợp tác xã nhỏ lẻ…gây mất thiện cảm với hành khách.


Song song đó, nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng trong số 12 doanh nghiệp tham gia hoạt động xe buýt thì có tới 9 hợp tác xã, 1 doanh nghiệp nhà nước, 1 công ty TNHH, 1 công ty liên doanh. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm, mô hình hợp tác xã tham gia vận tải hành khách công cộng bộc lộ rất nhiều hạn chế.


Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm hợp tác xã vận tải 19/5, chia sẻ: Thị phần vận tải hành khách công cộng hiện nay đa phần là do 9 đơn vị vận tải hợp tác xã nắm giữ. Tuy nhiên, qua thời gian hoạt động cho thấy mô hình hợp tác xã tham gia VTHKCC đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải thay đổi. Khi tham gia loại hình này, các xã viên sẽ tự quản lý xe và tự thuê tiếp viên, tự sửa chữa nâng cấp xe… và mỗi người mỗi tinh thần phục vụ hành khách khác nhau. Vì vậy mà chất lượng phục vụ hành khách cũng không đồng đều, các xã viên còn xung đột nội bộ tranh giành khách, đa phần các xe đã hơn 10 năm nên xuống cấp…


Sử dụng thẻ thông minh

Đồng quan điểm với ông Triệu, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cũng cho hay mô hình hợp tác xã không thể mang ra áp dụng cho dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Bởi mỗi xã viên có tài chính riêng, có tâm tư khác nhau, niềm vui nỗi buồn cũng khác nhau… cho nên khi phục vụ hành khách cũng theo tâm trạng niềm vui nỗi buồn khác nhau. Để thay đổi mô hình này trong thời gian tới, cần đổi mới mô hình theo cách điều hành tập trung hoặc biến thành công ty cổ phần, với mục tiêu hướng đến an toàn giao thông cho hành khách và hành khách được phục vụ tốt nhất.


Mặt khác, ông Hùng cũng đề nghị thời gian tới thành phố cần đảm bảo, bảo vệ công trình hạ tầng của VTHKCC. Bởi muốn người dân đi xe buýt phải có vỉa hè, lối đi an toàn…Nghĩa là phải thiết lập lại trật tự vỉa hè, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, các trạm dừng xe buýt cũng phải được ưu tiên trên vỉa hè, tránh tình trạng ô tô đậu lấn chiếm trạm dừng của xe buýt…..

Việc đi lại bằng xe buýt sẽ giúp hạn chế xe cá nhân, hạn chế ùn tắc giao thông tại TP.

Trong khi đó, để thay đổi cách trợ giá xe buýt hiện nay, ông Lâm Thiếu Quân, Đại biểu hội đồng nhân dân Thành phố, cho hay sắp tới thành phố vẫn tiếp tục thực hiện trợ giá cho xe buýt nhưng sẽ thay đổi cách trợ giá. "Chúng ta sẽ dùng thẻ thông minh để mua vé đi xe buýt. Những đối tượng nào được trợ giá, khi lên xe chỉ cần thẻ thông mình này quét qua máy quét, như vậy thì hệ thống thông tin sẽ thống kê chính xác và dựa vào đó để trợ giá trực tiếp cho hành khách. Mặt khác, việc dùng thẻ thông minh để mua vé cũng sẽ giúp tài xế không phải vừa lái xe vừa trả tiền để tập trung lái xe an toàn, hạn chế nhân viên phục vụ trên xe để tránh thái độ phục vụ không hòa nhã với hành khách... Thực tế, các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc…đã áp dụng cách này", ông Quân nói.


“Ngoài ra, xây dựng hệ thống điều độ chung để giám sát hành trình của các tài xế xe buýt. Ví dụ trên tuyến nào đang có ùn tắc giao thông, tai nạn, ở phòng điều độ có thể thông báo cho tài xế để họ chuyển sang đường khác, khi tài xe chạy nhanh có thể nhắc nhở họ chạy chậm lại… Thiết lập quỹ trợ giá xe buýt cho các doanh nghiệp để hạn chế việc việc bỏ quá nhiều ngân sách cho việc trợ giá như thời gian qua. Nguồn này có thể lấy từ việc quảng cáo của các nhà tài trợ tại trạm dừng, trên xe buýt… Với cách này, vừa kéo người ta đi xe buýt nhiều hơn và đẩy người ta hạn chế xe cá nhân”, ông Quân cho biết thêm.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN