Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, từ năm 2021 đến nay, Bộ đã cùng các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022, 2023, 2024; trình Quốc hội thông qua 16 luật và 8 nghị quyết. Công tác thẩm định đề nghị xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật luôn được Bộ tập trung thực hiện. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật, không phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là văn bản liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp đầu tư quốc tế; phối hợp với các bộ, ngành và hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế.
Đáng chú ý, kết quả thi hành án dân sự năm 2021 - 2023 có chuyển biến tích cực; đặc biệt 5 tháng đầu năm 2023 đạt những kết quả khả quan. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục chuyển biến tích cực, thu được hơn 17 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, thể chế pháp luật trong lĩnh vực hành chính tư pháp như đăng ký, quản lý hộ tịch chứng thực, quốc tịch, nuôi con nuôi... ngày càng được hoàn thiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân.
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Bộ, ngành Tư pháp, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, thi hành pháp luật. Tuy nhiên, Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng chỉ rõ những hạn chế, đó là hệ thống pháp luật tuy đồ sộ nhưng vẫn còn sơ hở, chồng chéo, mâu thuẫn và bất cập. "Nếu pháp luật không đủ rõ, còn mâu thuẫn thì việc thực thi sẽ rất khó khăn. Bởi ranh giới giữa năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đến vi phạm pháp luật dẫn đến phạm tội rất mong manh", Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh. Ngoài ra, việc thi hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; nhân lực pháp luật còn hạn chế.
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề nghị, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tham mưu xây dựng chính sách pháp luật và thi hành pháp luật, đảm bảo xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận và đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, đảm bảo thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng và hiệu quả.
Trước hết, ngành Tư pháp rà soát những quy định còn sơ hở, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn, cản trở sự phát triển để tham mưu sửa chữa kịp thời, nhất là các vấn đề về quốc phòng - an ninh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sự kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng - an ninh... ; đồng thời, phát huy cơ chế giải thích pháp luật, tránh sợ sai, không dám làm.
Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng lưu ý đến việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, tổ chức bộ máy, cán bộ pháp chế ở các bộ, ngành Trung ương.