Thu nhập từ du lịch chiếm tỷ trọng từ 30% là quá thấp
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật du lịch (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, về quy định “đô thị du lịch" (Chương IV), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu hai phương án. Phương án 1: không quy định về nội dung đô thị du lịch. Vì Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 không quy định về loại hình đô thị du lịch.
Việc quy định đô thị du lịch như một danh hiệu mà không kèm theo cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ thì không nên quy định trong văn bản luật. Hơn nữa, dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV cũng không quy định về đô thị du lịch.
Phương án 2: quy định về đô thị du lịch theo hướng xây dựng cụ thể các điều kiện công nhận, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận đô thị du lịch tại Điều 29, Điều 30 dự thảo Luật.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Vũ Thị Nguyệt phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Cho ý kiến về vấn đề này, theo đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), nên khuyến khích hình thành đô thị du lịch, thậm chí là chuỗi đô thị du lịch, thực tế đã có các đô thị du lịch như Hội An (Đà Nẵng), Huế, ... Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cũng cho rằng nên quy định về đô thị du lịch. Việc quy định này theo hướng xây dựng cụ thể các điều kiện công nhận, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận đô thị du lịch.
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu không nên quy định như vậy, bởi đây chỉ là “danh hiệu” và “mang tính hình thức. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), theo quy định trong dự thảo luật, một trong những điều kiện để được công nhận là đô thị du lịch là thu nhập từ du lịch chiếm tỷ trọng từ 30% trở lên trong tổng sản phẩm nội địa của đô thị.
“Quy định như vậy là quá thấp. Để trở thành đô thị du lịch thì thu nhập từ du lịch phải chiếm tỷ trọng 70% trong tổng sản phẩm nội địa của đô thị”, đại biểu Nguyễn Thanh Phương nêu ý kiến.
Lo lắng "tự phong thứ hạng tùy tiện"
Trong phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đưa ra hai phương án để các đại biểu cho ý kiến về nội dung quy định về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Đó là đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc tự nguyện và đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc bắt buộc.
Theo các đại biểu Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn), Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên)..., việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú cần được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng, cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng là nhu cầu, quyền lợi của doanh nghiệp. Việc đăng ký xếp hạng theo nguyên tắc tự nguyện thể hiện quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm hoạt động kinh doanh được vận hành theo quy luật thị trường, giảm thủ tục hành chính.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Huỳnh Cao Nhất phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
“Việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú nên thực hiện tự nguyên tắc tự nguyện. Tuy vậy, các cơ sở lưu trú được xếp hạng từ 1-5 sao phải được thẩm định lại sau 5 năm. Điều này sẽ giúp du khách có thêm thông tin vế khách sạn mình lưu trú. Nhưng việc đăng ký xếp hạng cần hướng tới mục tiêu trình tự thủ tục đơn giản, không gây phiền phức... cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch”, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc xếp hạng theo nguyên tắc này có thể gây khó khăn trong việc quản lý, thống kê, dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận "sao", ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch. Có đại biểu lo ngại rằng, việc xếp hạng theo nguyên tắc tự nguyện có thể dẫn đến tình trạng "tự phong thứ hạng tùy tiện" của doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhất là trong tình hình quảng cáo qua mạng phổ biến như hiện nay.
Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đề nghị cần quy định việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch là bắt buộc. “Dù quy định như vậy là cứng nhắc nhưng nhằm ngằn chặn sự mạo nhận, ảnh hưởng đến uy tín ngành du lịch, giúp du khách nhận diện cơ sơ sở lưu trú uy tín. Nếu không quy định bắt buộc mà chỉ phụ thuộc vào ý thức thì sẽ khó kiểm soát. Điều này cũng nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách du lịch”, đại biểu Trần Thị Hằng đề xuất..
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) cũng cho rằng đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú cần thực hiện theo nguyên tắc bắt buộc, và vấn đề quan trọng là giao thẩm quyền xác nhận xếp hạng lưu trú thế nào.