Ngăn chặn thảm họa thiên tai ở miền núi phía Bắc

Chưa thực sự vào mùa mưa bão, nhưng chỉ trong 2 tháng 6 và 7/2018, thiên tai tại các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra đã làm hơn 100 người chết và mất tích, 82 người bị thương, tổng thiệt hại về kinh tế gần 4.000 tỷ đồng.

Thảm họa liên tiếp

Tại Hội nghị “Nhận định tình hình mưa lũ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc” vừa diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, Tổng cục Phòng chống Thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xuất hiện 14/21 loại hình thiên tai, điển hình là lũ quét, sạt lở đất, bão, dông, lốc sét, nắng nóng.


Chú thích ảnh
Sạt trượt đất đá vừa qua đã làm đứt gãy nhiều đoạn đường ở Mường Tè (Lai Châu).

Trong đó, hoàn lưu sau bão số 3 đã gây mưa lớn diện rộng từ ngày 13-22/7/2018, kéo dài ở hầu hết các tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra. Lũ lớn trên báo động 3 gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp tại các địa phương chịu ảnh hưởng. Bên cạnh đó, đã có 9 đợt lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra ở Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình và một số tỉnh miền núi phía Bắc…

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực miền núi phía Bắc đang phải đối diện nhiều nguy cơ dẫn đến thảm họa thiên tai. Do mưa bão năm nay đến sớm hơn mọi năm với cường độ ngày càng cao. Hiện nay, rừng và đất rừng đã ngậm đầy nước, không còn khả năng chịu tải. Vì vậy, chỗ nào lượng mưa từ 150mm - 200mm đều nguy hiểm chết người. Thêm một yếu tố nữa là hạ tầng quá xuống cấp. Trong hơn 2.000 hồ thủy lợi, thì có đến 1.000 hồ tổn thương nghiêm trọng. Chưa bao giờ đê phía Bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ xuống cấp như vậy, kể cả đê trực thuộc Trung ương từ cấp 3 tới cấp đặc biệt, kể cả cấp 4, 5 đều ẩn họa khôn lường.

PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, nguyên Viện phó Viện Xã hội học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, các vùng miền núi nước ta có đặc điểm chung là địa hình chia cắt, độ dốc lớn, dân cư thường sống tập trung ở chân đồi, núi. Dưới tác động của nhiều hoạt động nhân sinh của con người như xây dựng giao thông, các công trình thủy điện, thủy lợi, các hoạt động chặt phá rừng, hiện tượng trượt lở đất đá luôn rình rập, đe dọa cuộc sống và tính mạng của người dân. Tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc đang có khoảng 10.266 điểm nguy cơ sạt lở đất, trong đó 2.110 điểm nguy cơ khối lượng trượt lớn, rất lớn và đặc biệt lớn.

Trong khi đó dự báo giai đoạn tới, diễn biến thời tiết vẫn rất khó lường, mưa lớn liên tục xảy ra. Nếu chúng ta không chủ động sẽ rất nguy hiểm khi những vùng trũng chưa thoát hết nước. Nếu không làm tốt công tác đề phòng, ứng phó nguy cơ, thảm họa rất có thể xảy ra.

Khẩn trương khắc phục

Trước những diễn biến hết sức khẩn trương và nguy hiểm đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã yêu cầu những việc cần phải làm ngay. Đó là, lũ quét và sạt lở đất xảy ra liên tiếp từ đầu năm đến nay trên phạm vi rộng, đã làm 206 nhà bị sập đổ, 2.830 nhà bị ngập. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 7.716 hộ dân tại 16 tỉnh, thành phố không có chỗ ở đảm bảo an toàn, cần phải di dời. Thời gian tới, các địa phương cần tập trung cao độ ổn định nhà ở cho đồng bào nhằm giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất.


Chú thích ảnh
Các tuyến đường ở miền núi thường xuyên có đá rơi, cây đổ khi có mưa to.

Các cơ quan chuyên môn cũng cần rà soát các phương án đảm bảo an toàn chống lũ tại các lưu vực sông, bởi nhiều hệ thống sông khu vực Bắc bộ đã vượt mức báo động (sông Thao, Hoàng Long, đặc biệt sông Bứa tại Phú Thọ vượt lũ lịch sử năm 1975 là 1,26m).

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tính đến nay miền núi phía Bắc có gần 5.000 ha lúa bị ngập nước. Từ đó, đòi hỏi chính quyền và người dân cần khẩn trương tiêu úng và tổ chức, hướng dẫn phục hồi sản xuất diện tích lúa bị ngập nước.

Về hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện cũng cần kiểm tra, đánh giá ngay phương án đảm bảo vận hành và an toàn, nhất là tại 366 hồ thủy lợi xung yếu và nhiều hồ thủy điện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cơ quan chuyên môn cần đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực miền núi và vùng thấp trũng. 2 đợt lũ, lũ quét vừa qua đã làm 2,7 triệu m3 đất đá đường giao thông bị sạt trượt. Hầu hết các tuyến đường giao thông khu vực miền núi đều bị sạt lở hư hỏng mỗi khi xảy ra mưa lũ, cần bố trí phương tiện, lực lượng để sẵn sàng xử lý.

Chủ động ứng phó với thiện tai

Để người dân chủ động ứng phó với thiên tai, theo PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, việc ứng phó với thiên tai có 3 giai đoạn, đó là: Ứng phó trước, trong và sau thiên tai. Trong đó, cả 3 ứng phó này đều rất quan trọng.


Chú thích ảnh
Chủ động ứng phó với thiên tai để giảm thiệt hại về người và của.

Để ứng phó trước với thiên tai, các cơ quan chức năng phải có sự dự báo chính xác về về thời tiết, mức độ nguy hiểm để có công tác chuẩn bị ứng phó chu đáo. Trong việc ứng phó trước này cũng cần phải có phương án, thiết kế xây dựng nhà ở cho người dân ở vùng sạt trượt mà không thể di dời, hay việc bảo vệ các công trình xây dựng như giao thông, cơ sở hạ tầng. Công việc này Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ, vì người dân sinh sống ở khu vực này thường là có đời sống kinh tế khó khăn. Mặt khác, cũng cần có phương án di dời tạm thời, vĩnh viễn mặc dù có tốn kém kinh phí đến đâu, bởi việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm liên quan đến nhiều vấn đề an sinh xã hội, đất sản xuất, hạ tầng kỹ thuật…

“Khâu cảnh báo cho người dân và việc di dời chúng ta làm chưa tốt, cần phải tổ chức tập huấn cho người dân các phương án chuẩn bị để ứng phó với thiên tai. Việc này ở các nước như Mỹ, Nhật hay xảy ra thiên tai có rất nhiều kinh nghiệm…”, PGS.TS Vũ Mạnh Lợi khẳng định.

Để giảm thiệt hại của thiên tai cần có sự dự báo tốt, điều quan trong nữa là cần có sự tham gia, hợp tác của con người, đặc biệt là sự phối hợp với giữa chính quyền và người dân. Mọi người đều phải chuẩn bị tất cả các phương án tốt nhất cho mình để ứng phó với thiên tai. Mặt khác, phải đào tạo, tập huấn cho người dân hiểu rõ về thiên tai và có kỹ năng trong việc ứng phó với thiên tai, tránh sự đáng tiếc không đáng có xảy ra trong thiên tai.

Ứng phó trong thiên tai cũng rất quan trọng, đặc biệt là ý thức của người dân. Tuyên truyền để người dân hiểu, tránh vì cái lợi ích trước mắt như vớt gỗ, hôi của trong thiên. Đặc biệt, trong khi thiên tai xảy ra cần chú ý để tránh thiệt hại về người bằng cách chú ý đến những nhóm người yếu thế như: Người già, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ. Đồng thời, tập huấn cho người dân biết những cách để thoát khỏi thiên tai cũng như việc sống chung hay ứng phó với nó.

Ứng phó sau thiên tai lại càng phức tạp, nếu không khéo sẽ gây mất đoàn kết trong nhân dân. Đặc biệt, là công tác cứu trợ cần phải thông kê, cứu trợ công bằng, hợp lý. Nếu công tác hỗ trợ không công bằng sẽ gây mất đoàn kết, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến khắc phục hậu quả thiên tai như vệ sinh môi trường, xây dựng lại cơ sở hạ tầng…

Mặt khác, để có giải pháp phòng chống hiệu quả, cần cái nhìn tổng quan ở tầm vĩ mô, có các công cụ hữu hiệu để quản lý, như xây dựng cơ sở dữ liệu vùng nguy cơ; xây dựng hệ thống quan trắc tại các địa phương; lập bản đồ cơ bản như nhận dạng trượt đất, đánh giá khu vực nhạy cảm, đánh giá rủi ro các điểm từng trượt lở, khu vực ảnh hưởng khi trượt đất.

Thiên tai là bất định, thiệt hại là vô cùng, chỉ khi chú trọng vào những biện pháp phòng chống và cảnh báo sớm, chúng ta sẽ không còn chứng kiến những mát như hiện nay.

Bài và ảnh: Trọng Thủy (Báo Tin tức)
Sạt lở đất nghiêm trọng, giao thông trên Quốc lộ 279 bị chia cắt hoàn toàn
Sạt lở đất nghiêm trọng, giao thông trên Quốc lộ 279 bị chia cắt hoàn toàn

Sáng 31/7, tại Km78+240 quốc lộ 279 thuộc địa bàn tỉnh xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến giao thông trên tuyến bị chia cắt hoàn toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN