Tích cực giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng
Cho rằng tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ nhà ở xã hội hiện rất thấp, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (An Giang) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ những khó khăn, vướng mắc và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội cũng như việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.
Về chương trình gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia.
Sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện; đồng thời có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố quan tâm, xây dựng và công bố những dự án thuộc diện cho vay theo gói tín dụng này, theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng ban hành quy trình nội bộ để triển khai. Thời gian qua, có 18/63 UBND cấp tỉnh công bố danh mục, dự án tham gia chương trình với 53 dự án, tổng nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng. Đến nay, đã có 105 tỷ đồng được giải ngân cho 3 dự án ở 3 tỉnh/thành phố.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, việc giải ngân còn hạn chế do nguồn cung nhà của chương trình này hạn chế. Nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, điều kiện được hưởng gói vay còn một số điểm chưa phù hợp như thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, quy định chưa có nhà ở... Mặt khác, chương trình thực hiện trong 10 năm, việc giải ngân theo thời gian dài nên lượng giải ngân còn thấp.
Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ; đồng thời mong muốn UBND các tỉnh/thành phố sớm công bố danh mục các dự án thuộc diện cho vay.
Tranh luận với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về gói vay ưu đãi mua nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng: “Thống đốc đã trả lời đúng nhưng chưa đủ”. Để triển khai thực hiện hiệu quả, đại biểu cho rằng, cần có sự vào cuộc không chỉ riêng ngành Ngân hàng mà còn là Bộ Xây dựng, địa phương, tổ chức công đoàn, đặc biệt là chính người lao động.
“Phải nắm được nhu cầu, yêu cầu về số lượng, diện tích, địa điểm, mức giá, chất lượng... Từ đó lên kế hoạch triển khai, xây dựng, cung cấp trên cơ sở nhu cầu, yêu cầu của người lao động thì thực hiện thành công”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói và mong muốn Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo nhằm đạt được sự đồng thuận, thống nhất, qua đó đảm bảo đề án được thực hiện hiệu quả.
Bày tỏ nhất trí cao với ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chương trình hướng đến 1 triệu căn hộ trong vòng 10 năm là chương trình nhân văn và để thực hiện chương trình này đòi hỏi nhiều nguồn lực tài chính lớn.
Thời gian tới, Ngân hàng nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng quan tâm triển khai, tích cực giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng và mở rộng cho các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Với việc có thêm nhiều ngân hàng thương mại khác tham gia trong thời gian tới, số vốn sẽ lớn hơn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục chỉ đạo, cùng với các thành viên Hội đồng quản trị là đại diện các bộ, ngành khác, sẽ triển khai qua kênh này; đồng thời tích cực phối hợp bộ, ngành, địa phương, công đoàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đạt mục tiêu chương trình đề ra.
Trả lời chất vấn về vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như rà soát hành lang pháp lý để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo thuận lợi cho việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, nhiều hoạt động được thực hiện qua các kênh số, ứng dụng công nghệ, bảo đảm an toàn hoạt động thanh toán như xác thực khách hàng, thanh toán qua QR-code…
Trong 9 tháng qua, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng cao. Tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49% số lượng, giao dịch qua internet tăng 60,3%, qua điện thoại di động tăng 60,8%, qua QR-code tăng 105%... Giao dịch qua ATM giảm cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tăng. Tháng 9/2023, tỷ lệ thanh toán tiền mặt trên tổng thanh toán giảm 9,17% (so với mức 11,73% so với cuối năm 2020) cho thấy, kết quả thanh toán không dùng tiền mặt đạt được đáng kể.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tâm lý e ngại rủi ro khi tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán do thói quen sử dụng tiền mặt, xu hướng tội phạm công nghệ cao... Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát văn bản và phối hợp các cơ quan để hoàn thiện hành lang pháp lý, có giải pháp phòng ngừa để bảo mật thông tin, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách hàng, tăng cường thông tin truyền thông để người dân có nhiều thông tin, đảm bảo an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Cải thiện điều kiện tín dụng
Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nhiệm vụ điều hành tín dụng tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) bày tỏ quan tâm đến các giải pháp Thống đốc đưa ra nhằm đạt được các chỉ tiêu tín dụng hàng năm. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm nay chỉ đạt 5,91%.
Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm rõ nguyên nhân và các giải pháp để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 14% đã đề ra, trong khi chỉ còn 2 tháng nữa kết thúc năm 2023.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp chủ yếu do nhu cầu về tín dụng giảm bởi số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút; người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19…
Về nguồn cung tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, giảm thiểu thủ tục hỗ trợ tốt hơn cho người dân; đồng thời, đưa ra một số kiến nghị với các bộ, ngành liên quan để thực hiện giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trả lời chất vấn của đại biểu về lộ trình tiến tới xóa bỏ việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là một trong các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, kết hợp với các công cụ chính sách khác.
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước điều hành bám sát theo chỉ đạo tại Nghị quyết 62/2022/QH15 của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ; đưa ra các định hướng tăng trưởng tín dụng đầu năm, phân bổ dựa trên cơ sở căn bản nhất là xếp hạng các tổ chức tín dụng theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN (quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài). Thông tư đã nêu rõ các tiêu chí về định lượng, định tính để phản ánh được các tổ chức tín dụng có hoạt động lành mạnh và có khả năng mở rộng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức tọa đàm, họp với các chuyên gia và đại biểu Quốc hội quan tâm về cách thức điều hành tín dụng tăng trưởng này. Từ đó đi tới thống nhất, ở thời điểm này, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng.
“Nếu chúng ta bỏ chỉ tiêu này có thể làm cho dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam thuộc mức cao. Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo vấn đề này. Do đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện điều hành này. Đến thời điểm thuận lợi, đặc biệt khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu trung gian của doanh nghiệp, khả năng bỏ chỉ tiêu này sẽ khả thi hơn”, Thống đốc nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp ngăn chặn tín dụng đen, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề tín dụng đen được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Trong thời gian qua, Bộ Công an cùng với các bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai quyết liệt rất nhiều giải pháp.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và Công điện 766/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch triển khai hành động, trong đó, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận được tín dụng từ các kênh chính thức.
Với việc tổ chức triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp và ký kết với Bộ Công an để thúc đẩy các tổ chức tín dụng tham gia và kết nối vào hệ thống dữ liệu này để có thể tiến tới cho vay tín chấp đối với những khoản cho vay nhỏ lẻ, từ đó tăng khả năng tiếp cận tín dụng, hạn chế tín dụng đen.
Nhấn mạnh việc đòi các cấp, ngành chung tay để giảm vấn nạn này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, UBND các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội nắm bắt thông tin, tăng cường tuyên truyền để người dân có nhu cầu vốn có thể tiếp cận được kênh chính thức, hạn chế việc có nhu cầu vay vốn chính đáng phải tiếp cận tín dụng đen...